Đó là chia sẻ của PGS.TS Phan Đức Duy, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Chương trình môn Sinh học mới đã thể hiện được tính lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh rõ rệt |
Tăng cường ứng dụng sinh học hiện đại
Chia sẻ về tính ưu việt của môn Sinh học trong dự thảo chương trình phổ thông mới, PGS.TS Phan Đức Duy, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết: Trong chương trình giáo dục cấp THPT, Sinh học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Vì vậy chương trình môn sinh học đã được xây dựng theo hướng vừa đảm bảo tính kế thừa chương trình hiện hành vừa cập nhật được các tri thức hiện đại, đi sâu vào các lĩnh vực mũi nhọn của Sinh học.
Cụ thể là chương trình được xây dựng từ cấp phân tử " tế bào" cơ thể " các cấp tổ chức sống trên cơ thể, kiến thức ở một số phần mang tính mô tả đã được tinh giản, tăng cường các kiến thức có tính nguyên lý, kiến thức cơ sở cho quy trình công nghệ ứng dụng sinh học hiện đại.
Ví dụ: Phần Tiến hoá đã được giảm chỉ còn 6 tiết, vì kiến thức phần này đã được tích hợp trong môn khoa học tự nhiên cấp THCS, kiến thức ở các phần sinh học phân tử và sinh học tế bào được tăng cường và bố trí xuyên suốt tất cả các chủ đề của môn học làm cơ sở cho học sinh tiếp cận với công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của sinh học hiện nay.
Các kiến thức ở cấp cơ thể cũng đã được cấu trúc lại để vừa đảm bảo tính hệ thống vừa tránh hiện tượng lặp lại kiến thức, ở đầu mỗi đặc trưng cơ bản của cơ thể sống đều có phần khái quát giúp người học hình dung được những đặc điểm chung của mỗi đặc trưng sống sau đó mới đi sâu vào đặc trưng sống ở cơ thể thực vật và cơ thể động vật.
Trong chương trình môn học lần này cũng đã dành một khoảng thời gian thích đáng cho bài mở đầu, ôn tập và kiểm tra (Lớp 10: 16 tiết, lớp 11: 12 tiết, Lớp 12: 12 tiết), giúp cho người học có điều kiện ôn tập, hệ thống hoá kiến thức. Điều mà trước đây cả người dạy và người học ít quan tâm hoặc không có thời gian để thực hiện.
Hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cốt lõi
Theo PGS.TS Phan Đức Duy, chương trình môn học đã nhằm hướng tới hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cốt lõi và các năng lực chuyên môn cho học sinh như: Năng lực nhận thức tự nhiên, năng lực tìm tòi khám phá tự nhiên, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn … Những phẩm chất và năng lực đó đã được diễn đạt bằng các động từ hành động trong phần yêu cầu cần đạt của chương trình.
Trong quá trình dạy học nếu giáo viên tổ chức tốt các hoạt động theo các động từ hành động đã nêu chắc chắn sẽ hình thành và phát triển được các phẩm chất và năng lực đó.
Chương trình môn Sinh học mới có 9 chuyên đề học tập phân đều cho 3 khối lớp với các lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học, nông nghiệp sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, y dược, bảo vệ môi trường. Đây là những mũi nhọn của sinh học trong nền công nghiệp 4.0, nhằm một mặt nâng cao kiến thức cho học sinh, một mặt định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau khi kết thúc cấp THPT.
Tuy nhiên theo PGS Phan Đức Duy, các chuyên đề học tập như vậy trong giai đoạn hiện nay là hợp lý nhưng cần thường xuyên nghiên cứu cập nhật các chuyên đề mới cho phù hợp với xu thế phát triển của khoa học sinh học, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thế giới, đảm bảo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này.
Chương trình không quá nặng về kiến thức
“Chương trình dự thảo môn Sinh học lần này được xây dựng theo tôi là khá phù hợp, không quá nặng về kiến thức, đã định hướng hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, đặc biệt là các năng lực cốt lõi và các năng lực chuyên môn. Mặt khác chương trình đã thể hiện được tính lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh rõ rệt”, PGS.TS Phan Đức Duy nhận định.
Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tổ chức cho học sinh các hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức, dạy học thông qua thí nghiệm, dạy học bằng việc xử lý các bài tập tình huống, dạy học dự án… Trong khi điều kiện của các nhà trường phổ thông của nước ta còn hạn chế, để làm được như vậy ngoài sự cố gắng của mỗi giáo viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên cập nhật, nâng cao kiến thức và các phương pháp dạy học mới.
Mặt khác, đã dạy học theo định hướng phát triển năng lực thì kiểm tra đánh giá cũng phải theo hướng phải đo được phẩm chất và năng lực học sinh. Vì vậy, song song với đổi mới chương trình phải đổi mới cả kiểm tra đánh giá, nếu vẫn tồn tại kiểm tra đánh giá theo hướng kiểm tra kiến thức học sinh thu nhận được, kiểm tra theo kiểu “thi gì học đó” thì rất khó để đáp ứng mục tiêu chương trình đã đề ra.
Ngoài ra, các Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch trang bị cơ sở vật chất ở mức tối thiểu cho các trường phổ thông, đặc biệt là ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo thuận lợi cho giáo viên thực hiện chương trình có hiệu quả.
Tác giả: Minh Tâm
Nguồn tin: Báo Dân trí