Nhiều tuyến đường không được sửa chữa, duy tu kịp thời trong khi phí đường bộ vẫn thu |
Theo thống kế, số tiền thu phí sử dụng đường bộ năm 2017 nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 7.173 tỷ đồng, trung bình một ngày thu xấp xỉ 27 tỷ đồng. Số phí sử dụng đường bộ vượt thu so với số thu Bộ Tài chính giao đầu năm là 1.023,7 tỷ đồng. Tổng nguồn chi năm 2017 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương là 8.142,7 tỷ đồng.
Năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao kế hoạch hơn 7.881 tỷ đồng (chiếm 65%) để thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, còn lại 35% được phân bổ cho các địa phương. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giải quyết được gần 500 điểm đen tiềm ẩn mất an toàn giao thông, năm 2018 còn lại khoảng hơn 700 điểm đen và sẽ giải quyết khoảng 400 điểm.
Lãnh đạo Tổng cục này cho biết, trong năm 2017, rất nhiều khu vực trên cả nước gặp thiên tai, bão lụt, số tiền khắc phục các tuyến đường do thiên tai gây ra lên tới 860 tỷ đồng. Các tuyến đường đều được sửa chữa kịp thời và không có tuyến nào bị tắc đường quá 5 giờ đồng hồ.
Nói về nguồn thu của Qũy bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, nguồn thu của quỹ vượt 16% so với kế hoạch đề ra do sự gia tăng đột biến của lượng phương tiện. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện nay một số tuyến đường BOT, nhà đầu tư không duy tu, sửa chữa đến nơi đến chốn, nhất là ở khu vực miền Trung, đường hỏng nhưng vẫn thu phí. Việc này cần phải xử lý nghiêm, đường BOT nào hỏng không sửa phải buộc dừng thu phí.
Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, duy tu ở các dự án BOT, cần thiết phải ban hành một thông tư để quản lý công tác duy tu, sửa chữa tại các dự án BOT. Thông tư này phải được phổ biến rộng rãi đến các nhà đầu tư BOT, không có chuyện đường sá hư hỏng mà vẫn tiến hành thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.
Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, tất cả đều phải công khai, minh bạch, nhà đầu tư thu phí đường bộ để hoàn vốn thì chất lượng phục vụ dịch vụ phải tốt, khi dịch vụ tốt thì chủ phương tiện sẽ không còn phàn nàn, đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo.
“Toàn bộ công tác duy tu đã được đấu thầu, tiền chuyển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có làm hay không thì các chi cục đường bộ, thanh tra tổng cục phải biết và xử lý thật nặng, kể cả là cấm tham gia đấu thầu đối với các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo yêu cầu” - ông Thể kiên quyết.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí