Giáo dục

Mỗi năm cả nước có trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Tuy nhiên, hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” vừa qua.

Bạo hành học sinh ở trường Mầm non Mầm Xanh - TP.HCM gây bàng hoàng, bức xúc dư luận

Ngoài việc, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Bên cạnh đó, Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới khảo sát, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.

Báo cáo về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em thì trong 689 ca bạo lực trẻ em, có đến 06/10 ca bạo lực thân thể, trong đó có 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện, khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Điển hình nhất là 3 vụ bạo hành mới đây gây bức xúc dư luận là: Bố đẻ dùng dây điện đánh thâm tím người con trai 9 tuổi xảy ra ở huyện Đông Anh - Hà Nội; Bố đẻ và mẹ kế bạo hành bé trai 10 tuổi trong suốt 2 năm qua tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đặc biệt, vụ một cô giáo tên L. – người được cho là chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM) dùng tay đánh tới tấp vào mặt một bé trai chừng hơn 2 tuổi. Sau đó, L. dùng bình nhựa xanh đập vào đầu một bé gái nhiều lần mặc cho bé lấy tay che đầu chịu đau…Trước đó, vào đầu tháng Hai, dư luận xã hội cũng phẫn nộ với hành động đánh trẻ ở trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong clip đăng trên mạng xã hội ghi rõ cảnh cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc...

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em.

Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản và ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ.

Các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhận thức, hiểu biết của các em còn chưa đầy đủ, vẫn luôn “phụ thuộc” vào người lớn khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác.

Giáo viên tuyệt đối không xúc phạm, miệt thị học sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo; Triển khai thực hiện Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ trưởng Nghĩa mong muốn các thầy cô giáo hết mực yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình; hãy để học sinh lắng nghe, tiểp cận bằng mối quan hệ tích cực, yêu thương, cởi mở, chia sẻ.

"Các giáo viên tuyệt đối không sử dụng các hành vi mang tính bạo lực, miệt thị, xúc phạm và hận thù đối với học sinh trong các hoạt động giáo dục" - Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.

Đối với phụ huynh, thứ trưởng Nghĩa mong muốn các bậc phụ huynh luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, giáo dục gia đình phải được đặt lên hàng đầu và là cái nôi nuôi dưỡng và phát triên nhân cách của trẻ, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm đến con em mình.

"Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “Yêu cho roi cho vọt”, “Đòn đau nhớ đời” để không sử dụng hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ, hãy thành người thầy giáo, cô giáo của con trong gia đình và cùng đồng hành với nhà trường, thầy cô trong giáo dục, rèn luyện con của mình" - thứ trưởng Nghĩa kêu gọi.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP