Xem đoạn video phụ huynh ở Bạc Liêu truy thầy giáo đến cùng chỉ vì một chiếc quần của con gái mình bị mất, nhiều phụ huynh sửng sốt với cách hành xử của người mẹ. Nhiều thầy cô chỉ biết lắc đầu cay đắng.
"Từ ngày ra trường đi dạy đến nay chưa bao giờ tôi thấy cay đắng vì nghề đến mức này. Bây giờ nghề giáo rẻ rúng như thế sao?", một giáo viên ở quận 1, TP.HCM ngậm ngùi chia sẻ.
Phụ huynh chỉ nghĩ trả tiền là được
"Cũng là phụ huynh nhưng xem video đó tôi giận sôi người. Nếu là người thầy trong video đó, tôi chắc chắn không thể giữ bình tĩnh để đối đáp lịch sự được như vậy. Tại sao một người mẹ có thể nói với thầy dạy con mình rằng 'chưa chắc bộ đồ thầy mặc trên người giá trị hơn quần của con tôi'. Còn sự sỉ nhục nào bằng", chị Ngọc, phụ huynh tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, nói.
Trường THCS Trần Huỳnh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Nhật Tân. |
Chị Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho biết những suy nghĩ, cách hành xử thiếu văn hóa, miệt thị thầy cô vẫn tồn tại ở nhiều phụ huynh có tiền và quyền.
"Chuyện một cái quần bị mất không lớn nhưng cách hành xử của vị phụ huynh cho thấy thiếu sự tôn trọng đối với giáo viên. Cách hành xử như vậy đối với bất kỳ ai trong xã hội cũng đã là thiếu cái tình, huống chi đây là thầy dạy con mình. Tôi thấy chua xót cho nghề và thân phận của người thầy, cũng như khó khăn cuộc sống của giáo viên để rồi những người thầy nhận lại sự xúc phạm như vậy", cô Thảo nói.
Anh Thái Sơn, phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho rằng thực tế không ít người suy nghĩ và hành xử như vậy.
"Có người nghĩ rằng mình trả tiền học phí cho trường, trả tiền học thêm cho thầy cô thì được quyền như thế. Đi học cũng chỉ là mua bán mà thôi nên được quyền xỉa xói khi không ưng. Có lẽ, nhiều phụ huynh bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng. Họ thiếu kỹ năng dạy dỗ con cái và quên mất trong việc này vai trò của gia đình chiếm phần lớn", anh Sơn nói.
Làm sao dạy con?
Tư tưởng có quyền, tiền và trở thành kẻ cả rồi miệt thị người thầy đang ngày càng ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Họ sẽ dạy con ra sao khi chính mình suy nghĩ méo mó, hằn học?
Anh Thái Sơn từng chứng kiến nhiều phụ huynh bàn nhau về việc mua quà cho thầy cô nhân ngày 20/11. Cuối cùng, họ quyết định gửi phong bì 500.000 đồng. Họ nói rằng thầy cô nào chả cần tiền và nói thẳng trước mặt con cái mình.
"Đứa trẻ nghe như vậy có coi thường thầy cô dạy nó không? Khi đó làm sao thầy cô còn có thể dạy con họ nên người được nữa. Chính họ đang giết con em mình bằng thái độ như thế", anh Sơn nhận định.
Cùng quan điểm về vấn đề này, cô Thảo cho rằng cách hành xử này chỉ làm cho con trẻ khó khăn trong việc tiếp nhận giáo dục giá trị đạo đức vì nó xung đột giữa lý thuyết và thực tế, giữa nhà trường và xã hội.
Thầy cô, nhà trường cố gắng truyền đạt những điều tốt đẹp cho các em nhưng ngoài đời chính cha mẹ và nhiều người khác xung quanh đang chứng minh rằng những điều tốt đẹp đó là phi thực tế bằng lối hành xử khinh bạc, miệt thị.
Chiều 3/12, dư luận xôn xao khi chị Ngọc Ánh đăng clip cho rằng thầy Hồ Văn Khánh (THCS Trần Huỳnh, phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vô trách nhiệm khi bảo học sinh cầm chiếc quần lửng bị bỏ rơi trong lớp của con mình ra thùng rác. Người mẹ nói: "Chưa chắc bộ đồ thầy mặc trên người giá trị hơn cái quần của con tôi. Từ đây tới ngày mai, thầy phải đi kiếm chiếc quần đó lại cho con tôi, còn không thì thầy phải đền lại tiền cho con tôi". Chiều 4/12, UBND TP Bạc Liêu họp với Ban giám hiệu THCS Trần Huỳnh và thầy Hồ Văn Khánh. Bà Lê Hồng Thu, Phó chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, cho biết sau khi tìm hiểu vụ việc, các cơ quan chức năng xác định thầy Khánh không có lỗi trong việc kêu học trò mang bỏ chiếc quần lửng được phát hiện trên bàn giáo viên vào chiều 30/11. Sáng 5/12, chị Ngọc Ánh đăng lời xin lỗi lên Facebook, sau đó xóa bỏ vì tiếp tục bị cộng đồng mạng lên án. Chiều cùng ngày, chồng chị Ánh là anh Nguyễn Quốc Hùng đã đến trường xin lỗi thay vợ. |
Tác giả: Minh Nhật
Nguồn tin: zing.vn