Pháp luật

Luật sư đề nghị cấn trừ 4.500 tỉ đồng thiệt hại cho Phạm Công Danh

Theo các luật sư, khoản tiền 4.500 tỉ đồng mà ông Phạm Công Danh góp vào ngân hàng VNCB để tăng vốn điều lệ là khoản tiền không nhỏ, nó không thể tự mất đi mà phải có nguồn gốc, đường đi, báo cáo tài chính rõ ràng.

“Không hiểu sao vốn âm nhanh đến vậy”

Ngày 23/1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định nhà nước trong hoạt động kinh tế gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần tranh luận.

Các luật sư đề nghị cấn trừ số tiền 4.500 tỉ đồng vào thiệt hại của vụ án.

Bị cáo Phạm Công Danh.

Mở đầu phiên tòa, luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai) trình bày bị cáo Mai chỉ là người làm công ăn lương. Trong qua trình công tác bị cáo Mai đạt nhiều thành tích, cống hiến.

Vị luật sư cho rằng, việc tách vụ án thành 2 giai đoạn, gây bất lợi cho bị cáo. Luật sư đọc những lời nhắn nhủ của gia đình bị cáo Mai và mong rằng bị cáo Mai cải tạo thật tốt, sớm về với gia đình.

Theo luật sư Thanh, cả hai giai đoạn, Phạm Công Danh bị coi là gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Xây dựng (giai đoạn 1 là 9.000 tỉ, giai đoạn 2 là 6.100 tỉ). Thế nhưng, trong báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của Ngân hàng Xây dựng không thấy đề cập đến con số này. Ngay trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, đại diện CB cho rằng , căn cứ vào kết luận của Cơ quan tố tụng để xác định thiệt hại cho ngân hàng. Điều này là khá vô lý.

Còn luật sư Thanh Vân thì cho rằng bị cáo Mai bị sức ép lớn từ khi đảm nhận vai trò tại Ngân hàng Đại Tín. Đứng trước nguy cơ sống còn của ngân hàng bị cáo Mai đã phải lựa chọn để giúp cứu Ngân hàng Đại Tín.

Luật sư đề nghị HĐXX và Viện KSND xem xét yếu tố khách quan dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Việc chi các khoản tiền là dành cho hoạt động kinh doanh bình thường của VNCB chứ không phải cá nhân ông Danh hay ông Mai.

Tự bào chữa cho mình, ông Phan Thành Mai cho biết, không hiểu số liệu về khoản âm vốn điều lệ của VNCB vì theo ông nhớ con số cuối cùng có sự khác biệt lớn. Ngoài ra, còn nhiều khoản treo từ thời của bị cáo lại không thấy trong số liệu…

Bên cạnh đó, có số tiền gửi trên thị trường 2, bị cáo cũng thấy số liệu khác với số liệu bị cáo được biết trước đó. "Bị cáo khó hiểu vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy. Các khoản lỗ tiếp sau thì không phải do bị cáo", Mai nói.

4.500 tỉ đồng không thể tự dưng mất đi

Về khoản tiền 4.500 tỉ đồng Phạm Công Danh đã dùng để góp vào tăng vốn điều lệ cho VNCB, luật sư Thanh Vân đề nghị: "Tôi đề nghị cấn trừ 4.500 tỉ đồng ra khỏi 6.120 tỉ đồng thiệt hại để giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo".

Về khoản tiền này, bị cáo Mai cho rằng số tiền đó đã quay về CB và nếu không trả về cho cổ đông thì cần phải làm rõ vì nó đã ở trong CB.

Tiếp đó, luật sư Bùi Phương Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét khoản tiền 4.500 tỉ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ, để cấn trừ vào thiệt hại. Khoản tiền này chắc chắn nằm trong tài khoản của VNCB trước đây và CB hiện tại. Trước đó, phía CB cho rằng số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng, nên không còn.

Theo bà Lan, đây là số tiền không nhỏ, nó không thể tự mất đi mà phải có nguồn gốc, đường đi, báo cáo tài chính rõ ràng. Nếu việc ông Danh tăng vốn không được chấp nhận, phải trả lại tiền cho bị cáo.

"Theo quy định của pháp luật, 4.500 tỉ đồng mà các bị cáo chuyển vào tài khoản của VNCB nhưng chưa phải là tiền của ngân hàng. Số tiền này cần hạch toán vào khoản phải trả, nên việc CB nói nó đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng là trái quy định, là xâm phạm quyền lợi chính đáng của các bên", luật sư Lan nêu quan điểm.

"CB không bị thiệt hại mà còn được hưởng lợi. Nếu không xem xét, thu hồi trả lại cho các bị cáo để khắc phục thiệt hại thì CB sẽ được hưởng lợi kép. Bởi CB vừa được sử dụng để tăng vốn điều lệ, vừa không phải trả lại, trong khi đó lại đòi bồi thường thiệt hại hơn 6.120 tỉ đồng", bà Lan nói thêm.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP