Giáo dục

Lo thất nghiệp, trường đào tạo cùng doanh nghiệp

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố Việt Nam đang có 200.000 lao động trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp. Vì vậy, việc kết hợp với doanh nghiệp để lo đầu ra cho sinh viên đang là vấn đề được nhiều trường ĐH quan tâm.

Sinh viên Đại học Khoa học - Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cam kết tuyển dụng sau tốt nghiệp

Năm 2017, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (CNGTVT) đào tạo một số ngành theo mô hình một không – hai có. Đó là sinh viên không phải đóng học phí, có học bổng khuyến khích hỗ trợ học tập, có việc làm tại doanh nghiệp đặt hàng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đây là mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đặt hàng của hai công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là Công ty Cổ phần FECON và Công ty Cổ phần LICOGI 16, với mục tiêu sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất mà doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo và đánh giá sinh viên như cử chuyên gia để tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên và tham gia chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Sinh viên được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại Trường; học thực hành, thực tập tại các công trường trong và ngoài nước và trên các thiết bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp.

Sinh viên được doanh nghiệp cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường nếu đáp ứng một số tiêu chí doanh nghiệp đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được hỗ trợ kinh phí đi lại, tiền ăn, ở trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp hoặc công trường; được cấp học bổng bổng khuyến khích học tập trong từng năm học.

“Nếu thị trường đòi hỏi khác thì phải điều chỉnh, thậm chí phải đóng cửa. Không phải cố gắng đào tạo những gì các trường có”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về yêu cầu đổi mới đào tạo trong các trường ĐH - CĐ

Đánh giá về mô hình này, lãnh đạo trường ĐH CNGTVT cho biết 3 bên cùng có lợi: doanh nghiệp được chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nhà trường được tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhập các công nghệ tiên tiến hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp. Sinh viên không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Năm 2017, Trường ĐH CNGTVT tuyển sinh 02 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Máy xây dựng; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng Cầu đường bộ; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng Cầu- hầm, mỗi lớp 30-40 sinh viên trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường cho 2 công ty FECON và LICOGI 16.

Trong thời gian sắp tới, Trường tiếp tục hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn khác của Việt Nam và nước ngoài để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Phải chấp nhận đóng cửa nếu thị trường không cần

Trong khi đó, theo GS Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, xã hội rất quan tâm đến tình hình sinh viên ra trường có việc làm. Hiện nay báo cáo của các trường về vấn đề này cũng chưa chính xác. Từ các trường đã được kiểm định, hội đồng đánh giá đã kiểm tra rất kỹ tỷ lệ sinh viên có việc làm nên Bộ GD&ĐT có thể dựa vào đó để có kết quả chính xác hơn. Bộ cũng yêu cầu các trường báo cáo chính xác tỷ lệ này và có biện pháp kiểm tra xác minh thì sẽ thuyết phục hơn.

Cũng theo GS Trần Văn Nam, chủ trương gắn doanh nghiệp với nhà trường đã nói nhiều và cũng đã ký kết hợp tác nhiều. “Tuy nhiên, nhiều nơi và bản thân chúng tôi cũng nhận thấy mới chỉ là hình thức. Văn bản ký rồi nhưng triển khai rất khó khăn. Khó khăn nhất là phía doanh nghiệp, họ muốn sinh viên có chất lượng cao, gắn với doanh nghiệp, nhưng họ hỗ trợ lại các trường ĐH rất mờ nhạt” - GS Nam chia sẻ.

Do đó, ông đề xuất cần xây dựng chính sách mạnh mẽ hơn để giảng viên đến làm việc với doanh nghiệp được thuận lợi. Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên thực tập, tăng cường mời các chuyên gia về giảng dạy tại các trường, hướng dẫn tốt nghiệp...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai năm học mới đối với giáo dục ĐH vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết các trường cần phải gắn kết với các doanh nghiệp, các tập đoàn, đẩy mạnh truyền thông.

Trong năm học tới, phải chú trọng dự báo thị trường, Bộ củng cố trung tâm và sẽ cung cấp dự báo ngành mới, thị trường mới làm căn cứ cho các trường tham khảo.

Các trường không căn cứ theo năng lực mà phải căn cứ theo nhu cầu thị trường để đào tạo. “Nếu thị trường đòi hỏi khác thì phải điều chỉnh, thậm chí phải đóng cửa. Không phải cố gắng đào tạo những gì các trường có” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP