Theo Hà Nội mới, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của lứa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT đã phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo phương án 2+2.
Theo đó, mỗi thí sinh thi 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán; thí sinh tự chọn đăng ký thi 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Phương án thi này được phê duyệt trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, chuyên gia và bộ, ban, ngành liên quan cũng như kết quả khảo sát, đánh giá tác động tại 63 tỉnh, thành phố của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh được lựa chọn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa |
Bộ GD&ĐT thông tin, từ năm 2015 đến nay, môn lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình nhưng thí sinh vẫn được lựa chọn để đăng ký thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã được phê duyệt, thí sinh có thể đăng ký chọn môn lịch sử là một trong số các môn thi tự chọn trong kỳ thi này.
Theo Bộ GD&ĐT, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được quyết định theo hướng giảm áp lực, đồng thời, phát huy năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 gọn nhẹ, giảm áp lực
Theo Bộ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong đó, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội.
Phương án thi phải bảo đảm theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đáp ứng đúng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018; kế thừa việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015 đến nay.
Theo đó, để bảo đảm phương án thi được xây dựng đáp ứng các yêu cầu đề ra, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban xây dựng phương án thi.
Gồm các thành phần là nhà quản lý giáo dục cấp bộ và cấp địa phương, chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường THPT và các thành phần khác.
Trong quá trình xây dựng phương án thi, bộ đã tổ chức khảo sát, đánh giá tác động tại 63 tỉnh, thành cũng như xin ý kiến của các cơ quan liên quan và Chính phủ.
Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, chuyên gia và của các bộ, ban, ngành liên quan, ngày 28/11/2023, bộ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Phương án thi được ban hành kèm theo quyết định bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Các thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh theo đúng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lịch sử luôn là môn bắt buộc
Đối với môn lịch sử, bộ cho hay từ năm 2015 cho đến nay, môn lịch sử luôn là môn học bắt buộc nhưng học sinh được lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Thực tế môn học lịch sử và ngoại ngữ là hai môn học bắt buộc có kiểm tra, đánh giá điểm, có thể hiện điểm số vào học bạ, các kết quả này cũng được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp.
Ngoài ra, thí sinh vẫn có thể đăng ký dự môn thi lịch sử và ngoại ngữ theo đúng năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp của các em, thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Tác giả: Thùy Dung (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn