Kinh tế

Lập đặc khu kinh tế: Tận dụng thế đang lên của Trung Quốc?

Chia sẻ quan điểm trên trang viết cá nhân, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng: "Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác luôn chọn cái tốt nhất cho mình mà thôi và Việt Nam cũng cần chơi theo cách này".

Thủ tướng khẳng định sẽ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu.


"Không lo một nước, một quốc gia nào đó độc quyền"

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, liên quan tới Dự luật đặc khu sẽ phải điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói thêm: "Tôi cũng xin nói rằng đây là đất thuê và thuê theo quy trình hàng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn như tô nhượng địa. Nhiều người rất tiếc là hiểu lầm điều này".

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, cơ cấu nhà đầu tư theo quốc gia sẽ phù hợp để đảm bảo tình hình an ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu.

"Do đó, không lo một nước, một quốc gia nào đó độc quyền. Tất nhiên phải có thiết chế cụ thể, tóm lại chúng ta phải xem xét nhiều vấn đề", ông nói.

Thủ tướng cho biết, trong khu vực có nhiều nước có quy định cho thuê đất 99 năm nhưng Chính phủ tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nguyện vọng của nhân dân để phù hợp và đảm bảo quốc gia trường tồn, phát triển bền vững.

"Chúng ta sẽ tạo nên một thể chế, môi trường đầu tư tốt để tạo ra năng lực cạnh tranh", ông nhấn mạnh.

Liên quan tới việc hình thành các đặc khu kinh tế, trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia bày tỏ lo ngại về quy định cho thuê đất 99 năm tại dự thảo luật.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, thời hạn ưu đãi cho thuê đất 99 năm không chỉ trong Quốc hội mà còn được nhân dân rất quan tâm. Thời hạn đó mới là đề xuất của Chính phủ, còn quyền quyết định của Quốc hội. Vì vậy, phải xem xét vấn đề cẩn trọng. "Có lẽ Quốc hội phải thực hiện quy trình lấy ý kiến riêng từng đại biểu xem có đồng thuận không, có thể biểu quyết riêng về điều này", ông Vân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, Việt Nam phải chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ đến đây là có lợi, nhưng không cần đến quy định cho thuê đất đến 99 năm. "3 đặc khu đều là những "bờ xôi ruộng mật" của đất nước chứ không phải đất "khỉ ho cò gáy", ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng ta rất mong muốn thu hút đầu tư, kể cả Trung Quốc - một nước lớn với nguồn lực lớn, nhưng ta đừng quá hạ mình đưa ra điều kiện quá ưu đãi như vậy. Các đại biểu Quốc hội nên bỏ phiếu đầu tiên cho việc có cho thuê đất 99 năm hay không".

Tận dụng thế đang lên của Trung Quốc?

Ở một góc nhìn khác, chia sẻ quan điểm trên trang viết cá nhân, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright) cho rằng, cảnh giác với ý đồ không tốt của các nước lớn, nhất là những nước lân bang đã có những trục trặc trong quá khứ là cần thiết.

"Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bài Hoa đến mức làm lu mờ sự duy lý của chúng ta sẽ không có lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác luôn chọn cái tốt nhất cho mình mà thôi và Việt Nam cũng cần chơi theo cách này", ông Du nhìn nhận.

Ông Du cũng dẫn trường hợp với Hàn Quốc, giờ đây nhìn lại những nhân tố then chốt tạo ra “Kỳ tích Sông Hàn”, thì quyết định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản là một trong số đó.

Và với Singapore đã có những chính sách cần thiết để giảm sự ảnh hưởng cũng như nỗi sợ, nhưng họ cũng rất tích cực và chủ động trong việc tăng cường quan hệ và khai thác các cơ hội từ láng giềng.

Vị chuyên gia phân tích, về tâm thức dân tộc và sự thù hằn với lân bang, có lẽ rất ít người dân Hàn Quốc trong thập niên 1960 tha thứ cho những ai dám nhắc đến Nhật Bản với thái độ bình thường chứ đừng nói đến việc thiết lập mối quan hệ hữu hảo. Thế nhưng thời điểm đó, Thủ tướng Park Chung-hee đã nhận ra rằng việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của quốc gia. Ông cùng với các đồng sự của mình đã quyết định việc này. Còn Singapore, đe dọa lớn nhất đến từ hai người láng giềng khổng lồ, nhất là Malaysia vì mối quan hệ trong lịch sử và có đến 15% dân số là người gốc Malai.

"Sau khi phân tích các khía cạnh thiệt hơn, tôi cho rằng, việc tận dụng sự đang lên của nền kinh tế Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam so với những đe dọa. Nói cách khác, đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam nếu nhìn kinh nghiệm từ nhiều nước khác", ông nhận định nhưng cũng khẳng định "đương nhiên, là Việt Nam phải ở tâm thức tỉnh thức".

Về các đặc khu kinh tế, ông Du bày tỏ quan điểm cho rằng, vấn đề là chọn địa điểm và cách làm. Ông cũng kỳ vọng rằng, Luật đặc khu sẽ không được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này vì với những nơi dự kiến được chọn và cách làm như vậy thì khả năng không thành công sẽ rất cao.

"Như tôi đã trả lời nhiều lần, nếu quyết định chọn ba khu này thì Vân Đồn có cơ hội nhất với điều kiện Việt Nam cần xác định rõ ràng việc tận dụng cơ hội đang lên của nền kinh tế Trung Quốc cùng với việc tính toán những rủi ro có thể xảy ra", ông cho biết.

"Cuộc đua xuống đáy"?

Trước đó, một chuyên gia khác đến từ Fullbright là ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đặc khu nói riêng và cải cách kinh tế của Việt Nam nói chung là nếu không có những chính sách đột phá thì sẽ lại “lỗi cũ ta về”, song chính sách đột phá mà triển khai trong môi trường kém minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, năng lực kém và tham nhũng như hiện nay thì lại hết sức rủi ro.

Tuy nhiên, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nếu được triển khai thì khả năng thành công của mô hình đặc khu theo đạo luật này sẽ rất thấp vì chính sách nằm sau đạo luật này thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Ông cũng cho rằng, những ưu đãi quá mức một mặt tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa.

Bên cạnh đó, với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP