Khánh Hòa muốn có trưởng đặc khu
Chủ tịch huyện Vạn Ninh chọn phương án 1, tổ chức bộ máy đặc khu theo thiết chế có Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm; không có HĐND mà có Hội đồng giám sát.
Đặc khu kinh tế, Khánh Hòa, Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh. |
Ông Thoại cho rằng, bộ máy của đặc khu phải gọn nhẹ, hiệu quả hiệu lực mới. Tuy nhiên, khi trao quyền rất lớn cho Trưởng đặc khu cần có cơ chế giám sát.
“Dù dự luật có bổ sung hội đồng giám sát tư vấn có đại diện UBND và HĐND tỉnh và các bộ về kinh tế, tư pháp nhưng lại chưa rõ thiết chế Đảng lãnh đạo như thế nào đối với các đặc khu?” - ông băn khoăn.
Đại diện Sở Nội vụ Kiên Giang cũng đề nghị tổ chức bộ máy đặc khu Phú Quốc theo phương án trao đặc quyền cho trưởng đặc khu. Tuy nhiên, ông kiến nghị cho thêm 1 chức danh phó đặc khu. Tức là quy định không quá 3 phó đặc khu thay vì 2 để đảm đương nhiệm vụ.
Ông cũng cho hay, tỉnh Kiên Giang đang hoàn thiện các thủ tục để trình đề án đặc khu Phú Quốc. Trong đó quy định nhất thể hóa 1 số chức danh, Trưởng đặc khu là bí thư. Đồng thời sáp nhập thành 8 cơ quan chuyên môn.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, quan điểm của Khánh Hòa nên chọn phương án 1, có trưởng đặc khu với mô hình mới một cấp và xuyên suốt.
“Với mô hình này sẽ thực hiện được các nội dung yêu cầu mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, là mô hình Bộ Nội vụ đã đề xuất. Mô hình này cũng giúp việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đối với đơn vị hành chính”, Chủ tịch Khánh Hòa nói.
Theo ông, mô hình 2 có thêm HĐND đặc khu thì vẫn như cũ, không có gì khác biệt, vẫn như một chính quyền cấp huyện.
"Phương án 1 là mô hình tốt và dưới là các cơ quan chuyên môn trực thuộc" - ông nói. Việc bổ nhiệm thống nhất Thủ tướng xem xét bổ nhiệm và miễn nhiệm.
Tranh cãi
“Nhiều ý kiến chọn phương án 1 nhưng phương án 1 mới tiếp thu có hội đồng do Thủ tướng chỉ định để giám sát trưởng đặc khu. Vậy Hội đồng này có chủ tịch không, việc giám sát ông hội đồng như thế nào, ai làm trưởng, cơ chế hoạt động ra sao?” - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân đặt vấn đề và cho biết ông chọn phương án 2, tức là chọn mô hình đặc khu có cả HĐND và UBND.
Bởi theo ông, phương án 1 còn nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như việc cất nhắc ông Trưởng đặc khu theo đề nghị của UBND tỉnh nhưng giao cho Bộ Nội vụ xem xét, đề nghị, đánh giá việc bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo luật Đơn vị hành chính đặc biệt. |
Nguyên Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thắc mắc: “Hội đồng đặc khu là hội đồng gì? Có người nói đây hội đồng giám sát, có người nói hội đồng tư vấn. Nếu là hội đồng tư vấn có nên đưa vào luật không, còn là hội đồng giám sát thì phải có quyền lực thật sự”.
Ông cũng cho rằng nếu chọn phương án 2 phải bổ sung thêm để bộ máy sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có tính tự quản.
Vì vậy ông Lý đề nghị kết hợp phương án 1 và 2, khi ấy UBND phải do HĐND bầu nhưng Chủ tịch UBND có thể do Thủ tướng giới thiệu để HĐND bầu.
Theo ông, nếu đưa đặc khu vào cơ chế vượt trội thì đây không phải là phòng thí nghiệm. Còn đã là chính quyền địa phương thì phải quản lý nhà nước, tổ chức thi hành pháp luật, còn quản lý kinh tế giao chủ thể khác thực hiện chứ không phải Chủ tịch UBND đứng ra làm kinh doanh.
Cần đổi mới tư duy
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để xây dựng mô hình tổ chức đặc khu, cần đổi mới tư duy mạnh hơn nữa về tổ chức chính quyền địa phương và về phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Đặc khu phải toát lên vấn đề nhân thức ở tính đặc biệt về đơn vị hành chính và về kinh tế. Còn nếu không làm rõ tính đặc biệt thì đã có luật Chính quyền địa phương rồi, không cần thiết làm luật này nữa.
Ông dẫn chứng trường hợp của Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa có GĐ Sở Nội vụ kiêm chủ tịch huyện, không có HĐND. “Việc này do QH quyết mà không có trong luật Chính quyền địa phương. Đấy là yêu cầu của thực tiễn để bảo vệ chủ quyền”, Thứ trưởng Nội vụ nói.
Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn. |
Vì vậy việc xây dựng mô hình chính qyền địa phương phải phù hơp với Hiến pháp nhưng phải vượt trội lên các quy định hiện hành và phu hợp với các công ước quốc tế, nguyên tắc đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Theo ông, Hiến pháp quy định cấp chính quyền địa phương có HĐND và UBND nhưng không nói là mỗi đơn vị hành chính là 1 cấp chính quyền. Vì vậy đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không coi là một cấp chính quyền thì không nhất thiết phải có HĐND, UBND.
“Chính phủ và các cơ quan TƯ ủng hộ phương án 1 theo hướng đặc khu có trưởng đặc khu. Theo đó tỉnh ủy giới thiệu nhân sự, HĐND xem xét thống nhất, Chủ tịch tỉnh trình Thủ tướng xem xét bổ nhiệm” - lời Thứ trưởng.
Còn việc giám sát để đảm bảo kiểm soát quyền lực có HĐND tỉnh, MTTQ và sự kiểm tra của tổ chức đảng. Dự thảo mới nhất có bổ sung thêm phương án thành lập hội đồng không chỉ có đại diện của HĐND mà có cả các nhà kinh tế.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet