Giáo dục

Lãng phí sách giáo khoa, sai phạm thi, thí điểm giáo dục… bức bối mỗi kỳ tiếp xúc cử tri

Theo thống kê, kỳ tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri nhiều địa phương tiếp tục có nhiều kiến nghị về thí điểm mô hình giáo dục, lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa, sai phạm thi THPT quốc gia. Lạm thu, vấn nạn học thêm, bạo lực học đường… cũng là những vấn đề được phản ánh ở hầu hết các đợt tiếp xúc cử tri…

Tiếp tục phiên họp thứ 28, sáng 17/10, UB Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về giải quyết kiến nghị của cử tri. Báo cáo của Ban Dân nguyện về vấn đề này được đưa ra Thường vụ cho ý kiến.

Bộ GD-ĐT đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả

Trưởng ban Dân Nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu đã tổng hợp được 2.114 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 60 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội, 2.004 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, 35 kiến nghị liên quan đến công tác của TAND, VKSND. Toàn bộ các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đến nay đều được xem xét, giải quyết, trả lời và có văn bản gửi tới đoàn đại biểu Quốc hội, nơi cử tri kiến nghị.

Rà soát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân nguyện cho biết, một số vấn đề mà cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị.

Mới đây, tại đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, cử tri thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần thơ, cử tri tỉnh Hòa Bình, Nghệ An… tiếp tục có nhiều kiến nghị liên quan đến những vấn đề đổi mới trong thi cử, thí điểm mô hình giáo dục, lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa, sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia,…

Ban Dân nguyện khái quát, vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, sử dụng lãng phí sách giáo khoa,... là những vấn đề được cử tri phản ánh hầu hết ở các đợt tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bộ Giáo dục và đào tạo đã tiếp thu, tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả.

“Những hiện tượng tiêu cực nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi tiếp tục gây bức xúc trong xã hội. Như yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm cho con, bớt xén kiến thức dạy trên lớp để “ép” học sinh phải học thêm. Giao “chỉ tiêu, định mức” thu quỹ cho hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, “ép” học sinh mua sách tham khảo để hưởng chiết khấu;... “ – Trưởng Ban Dân nguyện khái quát.

Vẫn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, nhận xét tiếp theo của cơ quan giám sát là việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong giáo dục nhất là đổi mới các hình thức thi, tuyển sinh, đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới, thực nghiệm tài liệu giáo dục quá lâu trên một phạm vi rộng nhưng chưa được tổ chức tổng kết, đánh giá (sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục),... dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu ổn định, gây tâm lý hoang mang, bức xúc kéo dài trong dư luận.

Bà Hải nhấn mạnh, đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2017 – 2018 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh trong kỳ này, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân cả nước.

Mỗi ngày có 23,6 văn bản trái luật

Thông tin đáng chú ý từ lĩnh vực khác, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua giám sát, có thể thấy tình trạng ban hành văn bản trái luật, không đúng nội dung, thẩm quyền gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp chưa được xem xét, xử lý trách nhiệm nên chưa được giảm thiểu.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có 5.639 văn bản trái pháp luật (tính trung bình 1 ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành).

Báo cáo giám sát nêu nhận định, đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều, mặc dù đã được Bộ Tư pháp thường xuyên thẩm định, kiểm tra, đánh giá, các bộ, ngành, địa phương quan tâm xử lý, khắc phục, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Ban Dân nguyện phản ánh, cử tri cho rằng, không khó để thống kê những văn bản vi phạm, nhưng rất khó tìm thấy một cơ quan, đơn vị hay một công chức bị xử lý trách nhiệm, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ thẩm quyền ban hành cũng như những yêu cầu khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Cán bộ công chức cũng đều đã đề cập việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người vi phạm.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP