Gần 11.000 bài dự thi "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác" năm học 2017-2018 gửi về Ban tổ chức |
Mỗi bài viết là một câu chuyện xúc động về tình thầy, trò, về nghị lực vượt khó của những thầy, cô giáo trong sự nghiệp "trồng người"; là những tấm gương học sinh tiêu biểu, biết vượt lên số phận.
Lan tỏa sâu rộng từ cuộc thi
Theo Ban tổ chức, Cuộc thi viết về "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác" năm học 2017-2018 được phát động từ ngày 13/11/2017, thu hút gần 11.000 bài tham dự. Hầu hết các tác giả dự thi là những người đã và đang làm trong ngành Giáo dục.
Điều đáng nói là cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Nhiều đơn vị, trường học đã thu hút được cả học sinh và cán bộ, giáo viên tham gia với hàng nghìn tác phẩm dự thi; trong đó có nhiều đơn vị vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Xín Mần (Hà Giang), ngành Giáo dục huyện Tây Hòa (Phú Yên); ngành Giáo dục Hà Tĩnh, ngành Giáo dục Phú Thọ....
Ghi nhận từ Ban tổ chức cho thấy, các tác phẩm dự thi được viết ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều câu chuyện xúc động không chỉ ở trên bục giảng, nhà trường mà còn trong cuộc sống thường nhật của các nhà giáo.
Đó là những câu chuyện người thật, việc thật về một hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm để đổi mới nhà trường; hay những hiệu trưởng năng động, sáng tạo làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng trường lớp; Đó còn là những thầy, cô giáo tình nguyện cắm bản, bám trường, bám lớp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Hay còn là những lần đi vận động học sinh đến trường các thầy, cô giáo vùng sâu, vùng xa và những tấm gương giàu nghị lực của các em học sinh nghèo đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành con ngoan, trò giỏi...
Tổng Biên Tập Triệu Ngọc Lâm phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. |
Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà, xã Phúc Trạch (Bố trạch, Quảng Bình) là một ví dụ. Cả cuộc đời gắn bó với giáo dục vùng khó, đem con chữ về với bản làng Troi của xã Phúc Trạch. Hành trình gieo chữ của thầy đã khiến cô giáo Phạm Thị Quỳnh cảm phục và viết thành bài dự thi.
Tác giả ghi lại: Trường Phổ thông Tân Thượng Trạch là ngôi trường đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà, bà con dân bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Ma Coong.
Thiếu trường, thiếu lớp và bất đồng ngôn ngữ, khiến thầy Hà gặp vô vàn khó khăn. Thầy đã phải xin ở nhờ nhà dân, mượn nhà dân làm lớp học rồi đến từng nhà, vào tận trong rừng để vận động và đón học sinh đến trường.
Vượt qua biết bao khó khăn, thầy đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò có kiến thức, khôn lớn thưởng thành. Em con em đồng bào dân tộc đã thành công trong cuộc sống, trong đó có học sinh đã là chủ tịch xã và tham gia vào chính quyền từ thôn đến huyện.
Hay như cô giáo Phan Thị Mai - người hết lòng vì học sinh và luôn có sự đổi mới sáng tạo, trong từng tiết dạy. Tác giả Võ Thị Hằng - giáo viên Trường THPT Cẩm Bình (Hà Tĩnh) bày tỏ sự ngưỡng mộ về tấm gương nhiệt huyết của nữ nhà giáo:
"Hơn ai hết, cô là người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và dạy học; tổ chức dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn... 26 năm đứng trên bục giảng, trải qua nhiều đơn vị công tác, nhiều nhiệm vụ khác nhau, có những lúc thăng trầm trong cuộc sống, nhưng dù ở cương vị nào, nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc".
Câu chuyện về chàng trai "tay không" Nguyễn Hoàng Minh Hiếu giành học bổng Canada trị giá 80.000 USD tương đương 1,8 tỷ đồng đã khiến nhiều người cảm phục. Thông qua bài viết của tác giả Lý Thiên Thảo Hương - Trường THCS-THPT Đống Đa người đọc đã hình dung một cách trọn vẹn về những nỗ lực, vượt khó của cậu học trò này.
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ luôn đầu tắt mặt tối kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ý thức được điều này, Hiếu nghĩ phải cố gắng học thật giỏi và "săn" được học bổng thì mới có thể biến giấc mơ du học thành hiện thực. Bạn bè, người thân cho rằng, đó việc không tưởng.
Thế những, chàng trai của vùng đất Tây Nguyên đã làm được, biến điều không tưởng thành hiện thực. Hiếu quan niệm: Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau nhân loại thì chỏ có con đường là học tập.
Học để tiến ra thế giới "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" với một thái độ kiêu hãnh, chứ không phải tự ti, rụt rè. "... Và anh ấy là một tấm gương làm theo lời Bác, là tấm gương sáng để biết bao thế hệ trẻ nói theo, là người cho chúng ta nhìn rõ hơn về vẻ đẹp và phẩm chất bên trong của một người có chí ắt làm nên"- tác giả Lý Thiên Thảo Hương viết về Nguyễn Hoàng Minh Hiếu.
Theo Ban tổ chức, nhiều bài viết được thể hiện công phu, trình bày đẹp; nội dung các tác phẩm bám sát chủ đề và các tiêu chí của cuộc thi. Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức chắc chắn sẽ tìm được nhiều tác phẩm có chất lượng để trao giải tại Lễ tổng kết. |
Tác giả: Minh Phong
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại