Tôi vào, vừa dứt lời chào, Đại tướng nói: Mọi việc hôm qua đã dặn kỹ rồi, hôm nay tôi phải nhắc lại mấy vấn đề quan trọng: Tình hình trên toàn chiến trường lần này chuyển biến đến đâu tùy thuộc vào thắng lợi của chiến trường Tây Nguyên. Đặc biệt, Bộ tư lệnh và anh Vũ Lăng phải nắm chắc 3 vấn đề:
- Lần này ta đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên. Địch sẽ tìm hết cách để giữ bằng được. Do đó, ta phải tạo bất ngờ, tập trung lực lượng đủ mạnh để nhanh chóng dứt điểm mục tiêu. Muốn vậy, phải sử dụng một lực lượng bộ binh cơ giới có sức đột phá mạnh bằng xe tăng thiết giáp nhanh chóng thọc sâu vào khu trung tâm chỉ huy, làm cho chỉ huy địch rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi để các mũi nhanh chóng giải quyết mục tiêu, địch không kịp trở tay. Cậu nói với Vũ Lăng là, trong nghệ thuật quân sự hiện đại, tiếng Pháp gọi là detachement avance. À quên, cậu có biết tiếng Pháp không?
Tôi trả lời:
- Dạ thưa cũng đủ dùng ạ.
Đại tướng nói tiếp:
- Thế thì tốt. Vũ Lăng biết đấy! Không như đánh Điện Biên Phủ phải đánh chắc tiến chắc khi địch đã tăng cường lực lượng phòng thủ kiên cố.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. (Nguồn: laodong.vn) |
Đại tướng dặn tiếp:
- Phải triệt tiêu mọi khả năng đường bộ và đường không, cô lập Buôn Ma Thuột. Và khi ta tấn công, địch không có khả năng chi viện, phản công. Đặc biệt lưu ý tình hình địch trên chiến trường có thể diễn biến mau lẹ ngoài dự kiến. Người chỉ huy phải hành động quyết đoán, không chờ lệnh cấp trên, sẽ mất thời cơ; nhất là khi quân địch bị rối loạn, mất phương hướng. Mấy điều đó, cậu nhớ, nhanh chóng trở lại chiến trường. Tình hình khẩn trương lắm rồi. Chúc Tây Nguyên thắng lợi lớn!
Phấn chấn trước tình hình, tôi vội chào Đại tướng rồi nhanh chóng thu xếp đưa vợ về quê. Dọc đường, trong tôi bao suy nghĩ chung riêng lúc này thật vô cùng khó tả.
Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975 đã diễn ra đúng như tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng. Sau một ngày rưỡi ta tấn công và hoàn toàn làm chủ Buôn Ma Thuột, mọi khả năng chi viện của địch bị triệt tiêu. Chúng hoảng loạn, mất phương hướng. Nguyễn Văn Thiệu vội vàng ra lệnh bỏ Tây Nguyên tháo chạy toàn bộ lực lượng của quân đoàn 2 ngụy tại Tây Nguyên kéo theo toàn bộ hệ thống kìm kẹp. Quân ngụy tháo chạy về tổ chức phòng thủ ngăn chặn tại miền Trung. Nhưng đúng như dự báo của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ tư lệnh chiến dịch lập tức cơ động lực lượng ngăn chặn quân địch tháo chạy theo Đường 7 về Phú Yên. Quân ngụy bị quân ta ngăn chặn và làm tan rã.
Ngày 24-3-1975, quân ta đánh chiếm quận lỵ Củng Sơn. Thừa cơ, cùng lực lượng địa phương giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1-4-1975; đồng thời trên hướng Đường 21 (nay là Đường 26), Sư đoàn 10 đập tan lữ đoàn dù 3 ngụy tại khu đèo M’Đrắk ngày 31-3-1975. Tiếp tục phát triển cùng lực lượng địa phương giải phóng Nha Trang vào ngày 2-4-1975 và cảng Cam Ranh ngày 3-4-1975. Đến đây, Chiến dịch Tây Nguyên phát triển kết thúc, vượt xa mục tiêu ban đầu cả về không gian và thời gian. Đây thực sự là một bài học nhớ đời không riêng cho LLVT Tây Nguyên mà cho cả toàn quân. Tôi là người may mắn đầu tiên được tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng và cũng là niềm vui riêng của tôi trong cuộc đời binh nghiệp.
Khi trên cương vị Tư lệnh Quân khu 4, tôi vinh dự được tháp tùng, tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc này đang ở cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ) vào làm việc. Mỗi lần đến với các địa phương trên địa bàn quân khu, Đại tướng luôn rất quan tâm đến vấn đề quân sự-quốc phòng. Các lần làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 4, Đại tướng đều dặn dò: Trong chiến tranh các đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm, nay về quân khu trong điều kiện thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không được coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng mà vẫn phải đặc biệt quan tâm. Đối với địa bàn Quân khu 4 trước đây, trong chiến tranh luôn là hậu phương của cả nước. Trong chống Mỹ, Quân khu 4 vừa là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Trong thời bình, phải hết sức chăm lo nhiệm vụ quốc phòng, tập trung cho kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Nếu coi nhẹ quốc phòng thì sẽ trở tay không kịp. Vai trò vị trí Quân khu 4 trong chiến tranh cũng như trong hòa bình luôn là một địa bàn chiến lược rất quan trọng của cả nước. Đại tướng nhắc Quân khu 4 về hai vấn đề có tính chiến lược:
- Một là, lịch sử trên địa bàn Quân khu 4 đã hai lần đất nước bị chia cắt. Một lần thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và một lần sau Hiệp định Geneva. Lịch sử có thể lặp lại. Bởi đây là địa bàn hiểm yếu của đất nước nhưng lại rất yếu vì chiều ngang rất hẹp. Vì vậy, một mặt, vừa phải chăm lo xây dựng hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh thực sự vững mạnh; mặt khác vừa phải chăm lo xây dựng thế trận phía Nam không để bị chia cắt. Đúng như phân tích của Đại tướng, nên một vài lần Đại tướng yêu cầu tôi đưa Đại tướng vào nghiên cứu khu vực Đèo Ngang và góp ý về xây dựng khu vực phòng thủ. Sau này, trước khi qua đời, Đại tướng đã chọn đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng. Không hiểu nhiều về phong thủy, nhưng tôi trộm nghĩ, phải chăng Đại tướng muốn nằm tại hiểm địa này để nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn chăm lo đến khu vực trọng yếu của đất nước. Đây chỉ là suy diễn của tôi thôi.
- Hai là, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào có tính quy luật sống còn của hai nước. Quân khu 4 là khúc ruột miền Trung gắn bó chặt chẽ với Trung Hạ Lào. Phải luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Với Quân khu 4 thì giúp bạn trước hết là để giúp quân khu với bề ngang hẹp có vấn đề gì thì phải dựa vào dãy Trường Sơn và Trung Lào là hậu phương gián tiếp. Cần phải luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với bạn trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau đem lại những kết quả thiết thực, lợi ích cho bạn. Đại tướng nói: Quân khu 4 phải mạnh và Trung Hạ Lào cũng phải mạnh. Có như thế mới hỗ trợ được nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu không có đường Tây Trường Sơn từ Ba Na Phào (Quảng Bình) đến A Lưới (Thừa Thiên Huế), thì chiến trường miền Nam khi địch đánh phá tê liệt Đông Trường Sơn, lúc đó cậu ở Tây Nguyên chắc thấm thía lắm? Tôi thưa: "Dạ". Thế thì cậu từ Mặt trận Tây Nguyên, Quân đoàn 3 phải là người thấm thía hơn ai hết. Tôi lại thưa: Dạ! Những lời căn dặn của Đại tướng chính là mệnh lệnh của Tổ quốc đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng của hòa bình, Đại tướng của nhân dân, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam-với tấm lòng thành kính, tôi xin kể lại những kỷ niệm của mình với Đại tướng để tưởng niệm, tri ân dâng lên hương hồn Đại tướng muôn vàn kính yêu!
Hà Nội, tháng 8-2021.
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN QUỐC THƯỚC
Nguồn tin: qdnd.vn