Tin địa phương

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những lần về thăm quê

Dường như người Quảng Bình, vẫn còn phảng phất hơi ấm của những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền và cái gật đầu chào thân thiện mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp -Anh Văn về thăm. Con đường về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình như vẫn in bước chân, quê hương vẫn còn vang vọng những tâm tình và lời dặn dò của người con kiệt xuất mỗi lần về thăm quê!

Đại tướng bên dòng Kiến Giang khi về thăm quê

“Quảng Bình là nhà tôi, …”

Sinh thời, anh Văn đã nói: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Dường như đó là một lẽ sống, một tâm niện với quê hương Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cả cuộc đời trường chinh, bàn chân ông đã in dấu trên mọi chiến trường từ Nam ra Bắc. Có lúc biền biện, nhưng cũng có lúc đều đặn mỗi độ về thăm quê. Nhưng trong anh Văn, chưa lúc nào thôi đau đáu nhớ nhung bến nước dòng Kiến Giang thơ mộng tắm mát tuổi thơ, không thôi nhớ nhung giọng nói ấm tình quê Quảng Bình!

Mười ba tuổi, khăn gói vào Huế học rồi đến với cách mạng từ rất sớm, đó là khoảng thời gian anh Văn xa quê hương “biền biệt”. Đến năm 1962, Đại tướng về thăm và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Tình cảm với đồng bào, đồng chí nồng ấm, Đại tướng dặn dò Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cần phải xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng chung tay với đồng bào cả nước kháng chiến.

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào hồi khốc liệt, “mải lo việc quân” biền biệt, năm 1973, anh Văn mới có dịp về lại Quảng Bình. Trong chuyến đi thị sát đường Trường Sơn, khởi đầu là đường 9 huyền thoại, anh Văn lại có dịp để được nghe giọng nói quê nhà.

Đại tướng đã đến thăm Đội vận tải Sông Danh, tại xã Quảng Thuận, tại đây, Người anh cả của quân đội ta hỏi thăm, động viên anh chị em công nhân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thông tuyến cho gạo, vũ khí vào chiến trường miền Nam không đứt tuyến. Được Đại tướng về thăm, động viên kịp thời, tuyến giao thông quan trọng Phà Sông Danh luôn được thông suốt, kịp thời chi viện cho chiến trường góp phần đưa đất nước hoàn toàn thống nhất.

Trong mái hiên nhà lưu niệm, cụ Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông theo vai họ, hiện đang lo hương khói tại đây chậm rãi nói: “Về quê hương, Đại tướng bảo lái xe dừng thật xa để ông đi bộ trên đường làng An Xá, cũng như thể để được gặp gỡ, chào hỏi và bắt tay với người làng được nhiều hơn. Về đến nhà, Đại tướng dân hương tổ tiên ở ban thờ rồi đi thăm vườn nhà”. Đó là những giây phút thiêng liêng, quý giá của một người con phương xa lâu lắm mới được về thăm nhà".

Cụ Võ Đại Hàm chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về những lần về thăm quê của Đại tướng

Năm 1990, Đại Tướng về thăm và làm việc với Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, Đại Tướng căn dặn “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bây giờ hòa bình rồi…..Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên”.

Là con người có lối sống giản dị, hết mực chân thành, những lời căn dặn của Đại Tướng đã để lại nhiều trăn trở và tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn tái thiết, xây dựng kinh tế -xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào mình.

Tỉnh Quảng Bình tái lập tỉnh năm 1989; năm 1992, Đại tướng lại về thăm, thân thiết nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tỉnh mới tái lập, muốn ổn định tình hình, trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, hết sức chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn.

Đại tướng nhắc nhiều về phát triển giáo dục - đào tạo, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng mong các cấp ủy không ngừng chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải bảo đảm niềm tin của Nhân dân. Cán bộ phải lấy tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu.

Vũng Chùa- Đảo Yến đã đón Anh Văn về để ru giấc ngủ ngàn năm

Lần cuối Đại tướng về thăm quê

Vẫn ngồi trong mái hiên nhà lưu niệm Đại tướng, ngoài trời bắt đầu mưa, giọng cụ Hàm vẫn chậm rãi, nhưng đã lạc đi: Năm 2004, Đại tướng về thăm quê, không ngờ đây là lần cuối!. Hôm đó, có đến hàng nghìn người, với mong muốn được nhìn thấy ông Giáp đã đi từ tờ mờ sáng, xếp hàng ngay ngắn.

Khi thấy xe của ông Giáp xuất hiện, mọi người reo hò, liên tục gọi tên, ai cũng vui mừng khi thấy Đại tướng còn khỏe. Ông đi bộ từ đằng xa, rảo bước trên đường làng bên bờ sông Kiến Giang đi về nhà. Những cái bắt tay thật chặt, cái gật đầu chào bà con thân thiện. Đặt chân vào nhà khi trời đã xế trưa, không nghỉ ngơi, Đại tướng dạo vòng quanh nhà, hỏi thăm mọi người, rồi ra trồng cây đào lưu niệm.

“Khi trồng cây xong, tôi thấy ông như khỏe ra, rồi ông lại cùng mọi người ra thăm nhà thờ. Thấy Đại tướng đi khoan thai, khỏe khoắn, những người đi cùng và bà con vỗ tay ào ào”, cụ Hàm nhớ lại.

Như những lần về thăm quê trước, lần này Đại tướng cũng dành nhiều thời gian để làm việc với lãnh đạo Tỉnh Quảng Bình, khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, có hiện tượng khai thác đá làm ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Đại tướng đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nghiên cứu, có giải pháp khắc phục để Nhân dân tiện ra khơi đánh bắt cá; Vườn quốc gia phải có quy hoạch tổng thể không để các hoạt động kinh tế khác tác động, ảnh hưởng. Đại tuớng còn tâm sự: “Dù ở xa nhưng trái tim vẫn hướng về quê hương…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Quê hương Quảng Bình hôm nay tự hào vì người con ưu tú, đang nỗ lực vươn lên, hiện thực hóa ước nguyện của Đại tướng xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu mạnh...

Tác giả: Khánh Ngân

Nguồn tin: Báo Dân tộc và Phát triển

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP