Kinh tế

Kỳ lạ phát biểu một thành viên VAMA: Chất lượng xe ô tô không liên quan đến đường thử!

Nghị định 116 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước bắt buộc phải có đường thử xe dài 800m vào tháng 4/2019. Nhưng thật kỳ lạ, tại cuộc họp hôm qua (26/2), đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nói: Không có liên hệ giữa chất lượng xe và đường thử (!)

Tại Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp xe hơi bao gồm cả hãng xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 26/2, cuộc tranh luận về nhiều vấn đề được cho là rào cản chính sách đã diễn ra.

Đại diện doanh nghiệp ô tô tư nhân trong nước phản ứng trước những lời kêu than về đường thử ô tô của các hãng xe liên doanh.

800 mét đường thử, Toyota và Ford kêu khó vì không có đất!?

Ông Lâm Chí Quang, đại diện cho Toyota Việt Nam và nhà nhập khẩu thương hiệu Lexus cho rằng: Đường thử đối với xe hơi, khi Toyota vào Vĩnh Phúc tỉnh có cam kết để diện tích 10ha để dự phòng cho việc mở rộng sản xuất nhưng có được đất trong 1,5 năm gần như bất khả thi dù Thường vụ Tỉnh uỷ đã đồng ý.

"Vậy nên chắc đến 2019 chúng tôi không đảm bảo được việc nới rộng đường thử", ông Quang cho biết.

"Dù có nhiều điều khoản tốt ủng hộ sản xuất trong nước nhưng chúng tôi lo việc này chỉ mang tính chất ngắn hạn, về lâu dài biện pháp điều tiết chỉ có thể là thuế chứ làm bằng các biện pháp hành chính thì rất khó và dễ gây phản ứng không đáng có", ông Quang cho biết.

Cùng quan điểm trên với Toyota Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho hay: "Chúng tôi không có quỹ đất để mở rộng hơn đường thử. Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng không thấy mối liên hệ giữa chất lượng xe và đường thử vì mỗi nhà sản xuất đều có thiết bị kiểm nghiệm và việc đó cũng được chính người tiêu dùng quyết định".

"Các xe của Ford sản xuất ở Hải Dương hoàn toàn đảm bảo chất lượng bằng hoặc hơn các xe sản xuất ở nơi khác", ông Dũng nói.

Cùng với đó, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Có thể nhiều cơ sở sản xuất sẽ phải ngừng hoạt động vì quy định đường thử ô tô tại Nghị đinh 116 và cho rằng: Quy định này tạo ra sự phân biệt và chênh lệch giữa sản xuất ô tô trong nước và bên ngoài.

Các nước, không doanh nghiệp ô tô nào còn đường thử dưới 1km

Ở chiều ngược lại với các liên doanh xe hơi lớn trong nước, các doanh nghiệp lắp ráp tư nhân trong nước cho rằng đường thử 800 mét là bình thường, công bằng với các doanh nghiệp xe.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco - Trường Hải cho biết: "Đường thử trước đây đã quá lỗi thời, gần 20 năm, hiện nay các tính năng xe cũng khác, tốc độ xe cũng cao hơn, khi làm một đường thử người ta cũng đã phân tích rất kỹ mấy trăm mét là thử phanh, mấy trăm mét là thử tốc độ, tính rất kỹ cuối cùng là 800m".

Ông Dương thẳng thắn: "Việc áp dụng đường thử của Nghị định 116, nếu ngài Chủ tịch VAMA nói áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA. Thì tôi cũng xin lưu ý rằng đến 15/4/2019, chứ không phải áp dụng ngay. Tại công ty chúng tôi, với yêu cầu chất lượng riêng của THACO, đường thử hiện nay là 2,4km".

Ông Dương lấy ví dụ: "Chúng tôi cũng nghiên cứu các nhà máy của các thương hiệu mà chúng tôi đang phân phối hiện nay và thấy rằng đường thử của các doanh nghiệp xe hơi tại các nước không có cái nào dưới 1km như ở Việt Nam hiện nay. Tôi đã tham quan đường thử xe của Ford tại Thái Lan, rất dài và rất lớn, đúng địa hình của Thái Lan".

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng: "Tôi không đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Ford Việt Nam khi nói không có sự liên hệ giữa chất lượng xe với đường thử. "Vậy thì tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới cần có đường thử làm gì?", ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng: "Cần có khâu kiểm tra cuối cùng đó để đảm bảo rà soát lỗi của sản phẩm trong điều kiện lưu hành mô phòng thực tế trước khi đưa ra vận hành trên đường".

"Điều kiện đường thử 800m không quá khó. Muốn kinh doanh thì phải đầu tư chứ không thể nói là quỹ đất không khó. Trước hết xe phải đảm bảo an toàn chứ đóng góp mấy nghìn tỷ đồng/năm thì việc địa phương cấp quỹ đất để làm đường thử không khó, chỉ có điều không cam kết hợp tác, đầu tư lâu dài thì người ta không mặn mà làm việc này thôi", Tổng giám đốc Thành Công nhấn mạnh.

Ông Đức cho biết, mình từng là đối tác nhập khẩu 80% xe và chỉ lắp 20%, nhưng đã thay đổi chiến lược sang lắp ráp và sản xuất trong nước 80% hiện nay và chỉ nhập 20% và tiến tới là lắp ráp, sản xuất 90% trong nước nên hiểu rất rõ vấn đề.

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Các DN đã vào Việt Nam lâu nay và đóng góp thành quả là không thể phủ nhận nhưng không thể nói trước đây 20 năm (27/1/2004) quy định đường thử có 500m thì đến nay mãi mãi như vậy được.

"Xã hội thay đổi thì chính sách, tiêu chuẩn cũng phải thay đổi. Trước đây quy định tốc độ chỉ tới 50km/giờ mà đi lại cũng rất khó khăn nhưng giờ có cao tốc, tốc độ nâng lên thì đường thử cũng phải thay đổi", ông Hải cho hay.

Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Quy định đường thử này không liên quan DN nhập khẩu mà chỉ liên quan DN sản xuất trong nước. Quy định này cũng tận tới 15/4/2019 mới có hiệu lực kia mà".

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP