► Cần tiêu chí sàng lọc chất lượng đào tạo Y - Dược
► Giật mình điểm “sát sàn” có thể đỗ chuyên ngành Y- Dược
Trên đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An (Hà Nội) khi nói về chất lượng đào tạo ngành Y sẽ ra sao nếu các trường (nhất là trường ngoài công lập) lấy điểm chuyên ngành Y khoa “sát sàn”.
Bộ nên ngừng đào tạo nếu không đủ điều kiện CSVC
Theo bà An, phải thừa nhận thời gian qua, các trường Y khoa công lập đã đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ đáp ứng được phần nào nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt, ngành Y cũng dần có nhiều chuyển biến theo tinh thần lấy sự hài lòng của người bệnh làm cốt lõi.
Tuy nhiên, vẫn còn đó còn rất nhiều sự vụ tắc trách khiến nhiều người đau lòng. “Đọc báo mấy hôm nay tôi thấy quá sốt ruột, có nơi trẻ sơ sinh vừa sinh đã chết do y bác sĩ tắc trách. Có người đau chân trái lại mổ chân phải. Có người không đến mức phải cưa nhưng vẫn bị cưa chân... Nguyên nhân là do vô cảm, hai là do trình độ bác sĩ ấy quá yếu kém đã gây hậu họa cho người bệnh”, bà An chia sẻ.
Cũng theo bà An, khi sự tắc trách ấy diễn ra trên sinh mệnh một con người, có hối tiếc cũng không thể là được gì và không thể “gỡ” lại được nữa.
“Qua theo dõi thông tin trong vài ngày qua, tôi được biết một số trường Y hạ điểm chuẩn đầu vào. Tôi nghĩ cần phải xem lại. Đặc biệt, trường nào không đủ cơ sở vật chất (CSVC), đề nghị Bộ GD&ĐT nên ngừng đào tạo ngành Y bởi đó không còn là câu chuyện của riêng ngành Y mà của toàn cộng đồng".
Y, bác sĩ BV Đa khoa Sóc Trăng đang chăm sóc người bệnh
Trao đổi với chúng tôi trước đó về việc chất lượng nhân lực ngành Y sẽ ra sao khi hiện nay rất nhiều trường lấy điểm đầu vào với chuyên ngành này chỉ ở mức “sát sàn”, PGS.TS Võ Văn Bản (TS Y học Viện Hàn lâm Y học Bulgaria), Phó Tổng Giám đốc Bệnh Viện Việt Pháp Hà Nội cho hay, khi mình vào học ĐH Y Hà Nội thời Pháp, đi kèm với trường có rất nhiều thứ để đào tạo sinh viên. Bản thân ông và một số người khi thi vào khóa đầu ở đây, đề thi khó như đề của nước ngoài chứ không phải đầu vào chỉ mười mấy điểm như bây giờ.
“Nhiều người cho rằng, mở rộng cửa đào tạo Y khoa với các trường ngoài ngành là chống độc quyền nhưng tôi không nghĩ như thế. Tôi cho rằng, nếu đầu vào quá thấp thì chất lượng sẽ thấp. Chưa kể các điều kiện khác không đủ thì nhân lực đào tạo ra chắc chắn sẽ có vấn đề. Đây chính là hệ quả của một hệ thống đào tạo không giống ai của nước ta”, ông Bản khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, không nên nghĩ cách để lấp cho đầy bác sĩ mà làm sao để đội ngũ nhân viên y tế có chất lượng. Thà một người chất lượng còn hơn 10 người không đủ chất lượng.
Hãy bắt đầu từ việc siết chặt đầu vào
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, bà An cho hay, vấn đề chất lượng của ngành Y tế, trong đó có chất lượng đào tạo nhân lực, đã được đặt lên bàn nghị sự nhiều lần. Bất cập lớn nhất đó là chất lượng cán bộ và chất lượng phục vụ.
“Chúng ta có thể thấy, trên thế giới, việc đào tạo ngành Y được thực hiện trong thời gian rất dài. Thứ hai, chất lượng rất cao do liên quan đến tính mạng con người thì không thể đùa được.
Đành rằng, có những em đầu vào không cao nhưng trong quá trình học tập rèn luyện, các em nỗ lực phấn đấu có thể vượt lên. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Do đó, đầu vào thấp thì phần lớn đầu ra không thể cao được”, bà An cho hay.
Giờ thực tập của sinh viên Y khoa
Cũng theo bà An, ngoài một số y bác sĩ có trình độ sánh ngang một số nước trong khu vực nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những bác sĩ tắc trách, gây hậu họa khôn lường. “Chúng tôi hiểu không thể ngày một, ngày hai có thể sửa được. Đó là tổ hợp của rất nhiều yếu tố nhưng hãy bắt đầu từ việc đầu tiên là phải siết chặt đầu vào việc tuyển sinh viên ngành Y”, nữ đại biểu này chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi về việc các đơn vị Y tế trong đó có bệnh viện của ông, có sẵn sàng tuyển dụng những sinh viên Y khoa tốt nghiệp từ những trường thiếu uy tín về chuyên ngành này vào đơn vị mình, PGS Bản cho biết: “Chúng tôi không quan trọng bằng cấp ở trường nào nhưng vẫn ưu tiên nếu người đó tốt nghiệp ngành Y từ các trường ĐH uy tín bởi kể cả y tá, nếu tốt nghiệp từ những trường này vẫn tốt hơn các trường khác”.
Còn theo nữ đại biểu Quốc Hội khóa XIII Phạm Khánh Phong Lan: “Khi vào biên chế thì không thể nói là nên tuyển hệ nọ, không nên tuyển hệ kia vì như thế là sai luật. Tuy nhiên, tôi thấy các bệnh viện công lập, số lượng biên chế dành cho bác sĩ rất là ít nên tỉ lệ “chọi” rất cao. Đối với bệnh viện ngoài công lập, họ cũng tính toán rất kĩ, không thể tuyển bừa vì không thể đùa giỡn với tính mạng bệnh nhân được.
Ngoài ra, một thực tế, hiện nay rất nhiều bác sĩ ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, họ ra mở hiệu thuốc hoặc làm ở các phòng khám ngoài. Việc này có thể giúp họ đủ sống nhưng cho dù họ công tác ở đâu cũng đều đáng ngại về chất lượng”.
Tác giả bài viết: Mỹ Hà