Giáo dục

Không có sinh viên học, nhiều giảng viên "đói" dạy

Với việc nâng mức điểm sàn vào ngành sư phạm đã khiến một số trường CĐSP rơi vào cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”. Tại trường CĐ Sư phạm Gia Lai có hơn chục giảng viên không có lớp để dạy, một số giảng viên dạy không đủ giờ, đủ tiết. Được biết, đây là nguồn giảng viên chất lượng, trình độ học vấn từ Thạc sĩ trở lên…

Tạm ứng lương để giáo viên trang trải cuộc sống

Năm học 2017 – 2018, trường CĐ Sư phạm Gia Lai đã tuyển được gần 400 sinh viên thuộc các khối ngành như: Sư phạm Toán, Sư phạm Văn, Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Giáo dục Mầm non...Nhưng năm học này, với mức điểm sàn mà Bộ GD – ĐT quy định cao hơn những năm trước (đối với ngành sư phạm) nên trường chỉ tuyển sinh được 170/375 chỉ tiêu, ở 2 ngành: Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non còn các ngành khác đều không tuyển được sinh viên. Chính vì thiếu sinh viên nên các giảng viên rơi vào cảnh thiếu lớp, thiếu tiết dạy…

T.S Trịnh Đào Chiến (Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai) cho biết: “Vấn đề này không chỉ riêng mình trường CĐ SP Gia Lai mà còn xảy ra ở các trường sư phạm trên khắp cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do năm nay điểm sàn tăng lên 15 điểm. Với số điểm này thì các sinh viên sẽ chọn những trường ĐH ở những thành phố lớn thay vì một trường CĐSP như thế này. Nếu tình hình này còn tiếp diễn trong năm sau thì việc bố trí giáo viên là rất khó đối với nhà trường…”.

Trường CĐ Sư phạm cũng như một số trường khác đều chung tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"


“Hiện nay nhà trường có tổng cộng 132 cán bộ, giảng viên, trong đó có 120 là giảng viên và gần 700 sinh viên. Trong số 120 giảng viên thì có đến 80% đều có trình độ đào tạo từ Thạc sĩ trở lên. Theo đó, nhà trường có khoảng hơn 10 giảng viên không có lớp để dạy và rất nhiều giảng viên không đủ tiết dạy theo quy định. Trước mắt, để giải quyết toàn bộ giảng viên dư thừa, trường đã phân nhiệm vụ về các phòng, ban, đoàn, hội để các giảng viên làm trong lúc thiếu lớp dạy.

Bên cạnh đó, số giảng viên này cũng không thuộc diện phải tinh giản biên chế. Hiện trường đã báo cáo sự việc lên cấp trên để tìm cách giải quyết. Trước mắt, trường tạm ứng một vài tháng lương vì GV còn phải có tiền trang trải cuộc sống…, Thầy Chiến cho hay.

Theo ghi nhận, Khoa Tự nhiên (Trường CĐ SP Gia Lai) do không tuyển sinh được nên những năm qua nên trường không mở được lớp mới. Hiện trường chỉ còn duy trì 2 lớp cuối khóa học với 45 sinh viên (SV). Cả khoa có 37 giảng viên, thì một số người không giảng dạy được vì không có sinh viên vào nhập học. Vào năm học tới, khi 45 SV ra trường thì số phận của các giảng viên này không biết sẽ ra sao.

“Cầm cự” để giữ nguồn giảng viên

T.S Trịnh Đào Chiến phân tích: “Việc thừa thiếu giáo viên này cũng theo từng giai đoạn. Ngoài việc dạy cho sinh viên trường thì nguồn giảng viên này có rất nhiều việc như là: Bồi dưỡng thường xuyên, định kì các giáo viên cấp 2, cán bộ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh; Hướng dẫn, giảng dạy các tiếng DTTS, chứng nhận Tin học…Nên nếu để nguồn giảng viên có trình độ này đi thì sau này sẽ không tìm được nguồn thay thế khi cần…”.

Do điểm sàn quá cao nên một số ngành của các trường cao đẳng sư phạm không có sinh viên giảng dạy


Hiện nhà trường đang nghiên cứu, đề xuất để xin mở mô hình trường Thực hành sư phạm cấp 2 và tiến tới sẽ xin mở cấp 3 nếu cần. Vì hiện chúng tôi đã có đủ phòng học, thiết bị và con người tại trường. Với việc làm này sẽ giải quyết được lượng giảng viên và phòng học thừa. Đồng thời các sinh viên, giảng viên có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên với môi trường giáo dục ngay tại trường học…”, thầy Chiến cho biết thêm.

Ngoài ra, trường CĐ SP Gia Lai cũng đang đề xuất để tiến hành thành lập Trung tâm giảng dạy kĩ năng sống cho học sinh THPT, THCS… Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại Trường CĐ nghề Gia Lai, Trường Trung cấp (TC) Y tế, TC Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai… UBND tỉnh và Sở Nội vụ Gia Lai đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành sắp xếp, sáp nhập các trường CĐ, TC bảo đảm tinh gọn và hiệu quả.

Tác giả: Phạm Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP