Các đại biểu Quốc hội vừa bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. |
Về việc thí điểm các chính sách thuế, phí, lệ phí, Quốc hội đồng ý để HĐND Thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét, trình UB Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
Vấn đề quản lý ngân sách, Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
Quốc hội cũng chấp nhận cho nâng mức dư nợ vay của TPHCM lên tối đa 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng so với “trần” 70% đang áp dụng hiện nay.
Theo tính toán, với việc nới trần nợ vay này, theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của Thành phố khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương với khoảng 0,3% GDP so với quy định hiện hành. Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho Thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.
Bộ Tài chính cũng cho rằng có thể bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay, bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ nợ công trong giới hạn cho phép.
Không chấp nhận bổ sung 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập
Về vấn đề số thu để lại từ cổ phần hoá DNNN do thành phố quản lý, nhiều đại biểu đồng ý, đồng thời vẫn bố trí đủ 18.800 tỷ đồng cho Thành phố để thực hiện các dự án đã được ghi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến yêu cầu ngân sách thành phố hoàn trả lại số 18.800 tỷ đồng này từ nguồn thu cổ phần hoá.
Nhất trí đề xuất này, UB Thường vụ Quốc hội phân tích, Nếu để lại toàn bộ nguồn thu này cho Thành phố thì NSTW sẽ hụt thu tương ứng khoảng 20.000 tỷ đồng, trường hợp cổ phần hóa diễn ra thuận lợi thì số tiền thu để lại cho Thành phành phố cao hơn 20.000 tỷ đồng. Vì vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục phân bổ 8.800 tỷ đồng cho các dự án bệnh viện đã được Chính phủ giao kế hoạch cho Thành phố nhưng không giao 10.000 tỷ đồng đối với dự án chống ngập đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được Chính phủ giao kế hoạch và Thành phố sẽ có trách nhiệm cân đối từ nguồn thu cổ phần hóa được dự kiến như trên để đầu tư cho các dự án chống ngập.
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, Quốc hội đồng ý để HĐND Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Mức tăng tối đa được ấn định không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Riêng đối với mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, có ý kiến đề nghị cũng quy định mức trần cụ thể để không ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực ở địa phương khác. Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, TPHCM đang là trung tâm kinh tế của cả nước, với định hướng phát triển là thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững thì cần có sự đóng góp rất lớn của các chuyên gia, các nhà khoa học. Do đó, căn cứ vào điều kiện, nguồn lực cụ thể, các lĩnh vực cần thu hút đặc biệt cho phép Thành phố được quyết định mức thu nhập của các đối tượng này.
Tác giả: P. Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí