Ông Phú khẳng định rằng: Vụ việc của Khaisilk nhưng không chỉ là của Khaisilk, không là trường hợp cá biệt, chúng ta cần làm rõ, kiểm tra cả phố bán lụa để một lần làm trong sạch vấn đề, trả lại thương hiệu thật cho lụa Việt Nam.
Lụa Việt cần được bù đắp sau nhiều năm mất mát vì lụa giả |
Nỗi đau lớn đánh vào thương hiệu hàng Việt
Ông Phú cho rằng, đây là nỗi đau cho hàng Việt, làm tổn thương thương hiệu hàng Việt trong mắt quan khách, chính sách, khách du lịch và bạn bè quốc tế.
"Chúng ta phải giải "nỗi oan" cho lụa Việt sau sự cố Khaisilk. Đó là nỗi oan việc lụa Việt thông qua các gói quà tặng, đồ biếu, hàng xách tay là “quốc hồn, quốc tuý” được ra nước ngoài với tên Khaisilk", ông Phú nói. Tuy nhiên, theo ông Phú, rất có thể trong số đó là những sản phẩm hàng giả, lụa nhưng không có lụa, không phải là lụa. Điều này ảnh hưởng đến uy tín lụa Việt, thương hiệu Việt tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, nếu truy xét trong nhiều năm Khaisilk không dùng lụa Việt, không đặt hàng lụa Việt, không tham gia bất cứ khâu sản xuất nào mà chỉ phát triển thương mại nhập hàng giả, bán hàng thành thật, thì rõ ràng: Hàng Việt thật thì bị thua thiệt, bị bóp chết còn hàng Việt giả, hàng nước ngoài lại "sống dựa hơi", "mượn thương hiệu" nhiều năm.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng cho rằng: "Để sự việc xảy ra hiện nay, đến mức DN có thương hiệu, có tuổi đời 30 năm, có sức nặng trong ngành dính tràm thì phải quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý trực tiếp".
"Tại sao sự việc to đùng như vậy lại không biết, trong khi đó nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ, doanh nghiệp bé làm ăn lại hết kiểm tra này, đến kiểm tra khác. Quản kiểm nhiều mà không ra, trách nhiệm này thuộc về ai, ai sẽ cứu hàng Việt đây?", ông Phú nói.
Chia sẻ với Dân Trí, một chuyên gia kinh tế (đề nghị giấu tên) cho rằng: Cách thức làm của Khaisilk và sự việc xảy ra cho thấy đây không phải là sự tình cờ hay vấn đề vô tình mà nó xảy ra có hệ thống, có bài bản.
Theo vị này, trong ngành may mặc hiện nay, giá trị lớn nhất của Việt Nam chủ yếu là gia công và xuất xứ khi xuất khẩu sang nước ngoài. Nhưng nay, một DN có thương hiệu tầm cơ nhập nguyên sản phẩm Trung Quốc về chỉ qua công đoạn thay mác để nâng giá thì điều này chứng tỏ đã vô tình giết chết thương hiệu trong nước, giết chết tinh hoa làng nghề Việt Nam.
Khaisilk bị khởi tố sẽ tốt cho doanh nghiệp làm thật
Trao đổi với Dân trí, chị Hạnh, chủ một DN lụa tơ tằm Việt Nam cho biết: “Mọi người trong ngành cũng biết về việc có lụa hay không trong đó. Nhưng cũng khá bất ngờ vì bác ấy “có tiềm lực mạnh” mà lại bị thế, cũng không biết thế nào, nhưng hi vọng từ nay ngành lụa sẽ cạnh tranh công bằng hơn. Hi vọng rằng sẽ có ngành lụa tơ tằm chuẩn Việt Nam, để những người làm thật, những người có tâm huyết với lụa có thêm niềm tin phát triển ngành”.
“Nhà nước làm mạnh tay như vậy thì các DN trong ngành lụa vững bước hơn, tự tin hơn để làm thật, tạo ra các sản phẩm “Made in Vietnam” khiến chúng ta có thể tự hào. Người nông dân cũng có thể giữ được nghề truyền thống và làm giàu được nhờ nó”, chị Hạnh cho biết thêm.
Đang có mặt tại hội chợ hoa và lụa tại Lâm Đồng, anh Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc DN tơ sợi vẫn kịp chia sẻ vài điều về thông tin về sự kiện đang khá nóng này, anh cho biết: “Từ trước đến nay, trong ngành, người làm thật thì rất khó khăn, ba cái hàng giả lại lên ngôi. Nên nếu họ làm sai thì pháp luật đưa ra là điều chính đáng.”
“Tuy nhiên, không thể phủ định một điều, ngành này lâu nay cũng chìm đắm, ít người quan tâm đến. Nhưng từ lúc Khaisilk vỡ ra, nhiều người đã quan tâm hơn tới lụa Việt, quan tâm hơn tới chất lượng của lụa và biết đến thế nào là lụa của quê hương mình”, anh Phước nói..
Cũng theo anh Phước: “Hiện sự quan tâm của người tiêu dùng tới lụa Việt đang cao hơn trước, ngành lụa cũng bắt đầu được phục hồi. Những người làm thật đang có cơ hội rất lớn để phát triển. Vì thế, việc Khaisilk bị khởi tố chưa chắc đã là không tốt với các DN làm thật trong ngành lụa.”
Tác giả: Nguyễn Tuyền - Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí