Xã hội

Vụ Khaisilk: ĐBQH đề nghị giải tán Hội Bảo vệ người tiêu dùng

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho biết bản thân bà từng rất nhiều lần được tặng lụa Khaisilk và đem tặng lại người khác mà không hề biết rằng đó là hàng giả.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10 về vụ việc của Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc rồi dán mác “Made in Vietnam”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng cần phải xem Hội Bảo vệ người tiêu dùng “mọc ra” rồi hoạt động như thế nào.

Theo bà Khánh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.

“Nếu Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

“Theo tôi, Hội Bảo vệ người tiêu dùng không hề có hoạt động gì để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ an toàn thực phẩm cho đến những sản phẩm tiêu dùng khác”, Đại biểu Khánh nói tiếp.

Cũng theo bà Khánh, để xảy ra vụ việc này cơ quan Quản lý thị trường cũng cần có trách nhiệm. Cũng có thể từ trước đến nay cơ quan này cho rằng đây không phải là vấn đề gây chết người như vấn đề an toàn thực phẩm, hoặc cũng có thể họ tin tưởng Khaisilk là doanh nghiệp lớn nên không kiểm tra.

“Đây cũng là vụ việc cảnh báo các ngành chức năng không được chủ quan, cần kiểm tra, thanh tra mọi lĩnh vực. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra thường xuyên thì người ta cũng không đến mức vi phạm như vậy. Đây là bài học để các ngành chức năng phải chấn chỉnh.”

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Sản phẩm lụa Khaisilk được lựa chọn làm quà tặng giống như một thương hiệu tự hào của người Việt. Bà Khánh thừa nhận bản thân bà cũng từng nhận được rất nhiều quà tặng là sản phẩm mang thương hiệu Khaisilk vào các dịp này dịp kia.

“Bản thân tôi đã được tặng những sản phẩm như thế. Thực ra vì những sản phẩm đấy cũng có thương hiệu nên tôi lại đem đi cho người khác. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người tiêu dùng từ nay cũng cần phải lên tiếng khi cần thiết.”

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng vụ việc này không những thiệt hại cho khách hàng mà còn thiệt hại cho thương hiệu Việt, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để mang tính ngăn chặn, răn đe các trường hợp tương tự.

Có nhiều vấn đề pháp lý ở đây, nhân chuyện này phải làm nghiêm để cảnh tỉnh những doanh nghiệp đang làm ăn gian dối, có thể mất hẳn doanh nghiệp này nhưng cứu được những doanh nghiệp khác.

Theo bà Khánh, các doanh nghiệp cần phải biết rằng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Muốn đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp phải cống hiến và chấp nhận những bước đi dù khó khăn nhưng nhận ra giá trị thì rất vô giá.

Tác giả: Nguyễn Tuân

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP