Trong nước

Khắc phục căn bệnh ngại học, lười học nghị quyết

Các nghị quyết TƯ 6 khoá 12 là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước; là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công viên chức.

Sáng nay, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết TƯ 6, khóa 12.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng cho biết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ Đảng, khóa 12 đã thảo luận và quyết định ban hành những nghị quyết, kết luận rất quan trọng, trong đó có 4 nghị quyết.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

Đó là nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 20 “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21 “về công tác dân số trong tình hình mới”.

Ông cũng cho hay, hội nghị sẽ nghe các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên TƯ Đảng, những người trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị xây dựng các đề án trình hội nghị TƯ giới thiệu, quán triệt nội dung các nghị quyết này.

Kiên quyết đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ lưu ý 4 điểm.

Thứ nhất, 4 nghị quyết TƯ 6 lần này là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản, vừa cấp bách và là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng đề ra.

Vì vậy, đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến đổi mới, phát triển xã hội, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Các nghị quyết này cũng liên quan đến quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; về xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mọi người, mọi gia đình, vấn đề bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc…

“Đây cũng là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta, được xã hội đặc biệt quan tâm”, ông nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị các đại biểu tập trung lắng nghe, đào sâu nghiên cứu, nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các nghị quyết. Nhất là những điểm mới, những luận điểm cốt lõi, thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng trong các vấn đề.

Ông Văn Thưởng cho rằng, việc này không chỉ đòi hỏi phải nắm chắc, sâu sắc các nội dung của nghị quyết mà còn đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân từ vị trí, trách nhiệm và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, liên hệ với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị,… nỗ lực hành động đưa nghị quyết vào cuộc sống.

“Phải tạo ra được những chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội ở những lĩnh vực mà nghị quyết đề cập”, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nói.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt và tuyên truyền thực hiện nghị quyết.

Bên cạnh việc lắng nghe, nghiên cứu, cần phải bố trí đủ thời gian để thảo luận chương trình, kế hoạch hành động.

“Phải kiên quyết khắc phục căn bệnh ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm mới, những yêu cầu mới mà tình hình hiện nay đòi hỏi”, ông lưu ý.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh đến việc cấp ủy các cấp cần tổng hợp những đề xuất, kiến nghị, kể cả những ý kiến khác nhau trong nhận thức và tổ chức thực hiện, phối hợp với các cơ quan của TƯ nếu thấy cần thiết để giải đáp kịp thời.

“Kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính chất xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, gây trở ngại cho quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng”, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nói.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP