Phiên thảo luận sáng 20/11 tại Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách phát triển TPHCM hơn một lần Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bám sát vào dự thảo nghị quyết đã được tiếp thu để góp ý.
Chỉ có điều, dự thảo này mãi tận sát giờ thảo luận mới được phát hành nên đại biểu có phần lúng túng.
Theo dự thảo mới này thì cơ chế, chính sách đặc thù dự kiến được thí điểm tại TPHCM đã hẹp hơn, nhất là về thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách.
Những cơ chế đặc thù cho TPHCM được điều chỉnh với nhiều điểm "thắt" đáng kể so với đề xuất ban đầu. |
Ban đầu, Chính phủ đề xuất cho TPHCM được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản, tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu), rồi tăng mức phí, lệ phí, ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới...
Về nội dung này, khi thảo luận tại tổ nhiều ý kiến cho rằng không thể trao quyền cho TPHCM tăng mọi chính sách thuế (chỉ trừ thuế xuất nhập khẩu) như vậy.
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo nghị quyết mới quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định ban hành Luật Thuế tài sản đối với nhà, đất và thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM.
Hội đồng nhân dân thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét trình UB Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
Cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TPHCM quản lý cũng là nội dung được tiếp thu, sau nhiều băn khoăn của đại biểu.
Cụ thể, hội đồng nhân dân thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do hội đồng nhân dân thành phố quy định.
Hiệu lực thi hành của nghị quyết cũng được lùi đến ngày 15/1/2018 (thay vì 1/1/2018 như cũ). Yêu cầu mới là Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
Với những nội dung đã được tiếp thu, nhất là với cơ chế thu nhập, phiên thảo luận vẫn ghi nhận quan điểm trái chiều. Một số vị cho rằng khống chế mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ là hợp lý, vị khác nói không cần có trần mà cứ để thành phố quyết định, tránh cào bằng bình quân chủ nghĩa.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí