Giáo dục

Học sinh tiểu học non nớt, cần động viên hơn là phạt quỳ gối

Nhiều phụ huynh còn nhờ cô giáo phạt nặng để các cháu sợ, nhưng làm nghề dạy học phải biết kiềm chế.

Cô Anh Thư, giáo viên dạy Văn ở Thừa Thiên Huế, chia sẻ quan điểm về việc phạt học sinh ở trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An).

Cách dạy học thời xưa khác bây giờ, xưa theo quan điểm “thương cho roi vọt”, thầy cô thường hay dùng hình phạt học trò phạm lỗi như: quỳ, thậm chí quỳ trên gai vỏ mít, đánh roi vào mông, cốc vào đầu, xách tai... Đó là lối giáo dục nghiêm khắc thời phong kiến, coi trọng phép tắc hơn cá nhân con người.

Nay, các hình thức ấy là vi phạm, xúc phạm danh dự và nhân phẩm học sinh. Trường hợp cô giáo trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) thường xuyên phạt cả lớp quỳ (kể cả các em không vi phạm) là sai. Nếu luật pháp nghiêm, cô ấy có thể bị kiện về tội xúc phạm danh dự, thân thể các em.

Học sinh tiểu học vẫn còn quá non về nhận thức, giáo viên cần bảo ban động viên, hơn là dùng hình thức phạt quỳ. Cũng không nên cảm thông điều này cho cô giáo, vì như vậy sẽ tiếp tay cho sự bạo hành trẻ em.

Cách giáo dục roi vọt đã không còn phù hợp với thời nay. Ảnh minh họa.

Con gái tôi đang học lớp 1 ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Huế. Cháu hơi bướng, đôi khi chẳng chịu nghe lời người lớn. Trong lớp, cháu nói chuyện, không tập trung viết bài, vẫn chưa hòa nhập với môi trường tiểu học, cứ quen thoải mái tự do như đang ở mẫu giáo. Cô giáo đã tặng quà Tết cho cháu - một bộ áo quần mới, bảo để động viên cháu. Cháu vui mừng, tôi xúc động.

Hàng ngày cô hiệu phó còn nhắc nhở, trò chuyện và khen động viên làm cháu rất phấn khởi. Bây giờ, cháu đã ngoan lắm. Từ câu chuyện cá nhân, mới thấy dạy tiểu học thật khó, không chỉ cần nghiệp vụ sư phạm mà còn cần cả tình thương, xem trẻ như con mình. “Cô giáo như mẹ hiền”, mấy ai làm trọn?

Cũng là giáo viên, trải qua 20 năm đứng lớp, từng xử phạt rất nhiều học sinh cá biệt, nhưng chưa bao giờ tôi bắt các em quỳ hay có hành động miệt thị trước tập thể. Khi học sinh không chịu học bài, nghịch ngợm, vi phạm nội quy tái diễn, tôi sẽ liên lạc với gia đình để kết hợp giúp đỡ.

Nhiều phụ huynh còn nhờ cô giáo phạt nặng để cho các cháu sợ, nhưng làm nghề dạy học phải biết kiềm chế, tránh để mình vi phạm nguyên tắc của nghề giáo. Tôi thường chỉ dùng những hình thức phạt như yêu cầu chép phạt, lao động vệ sinh sân trường, lớp học.

Cô giáo sai, song việc phụ huynh yêu cầu cô giáo phải quỳ thì quá tàn nhẫn. Tôi hình dung những ánh mắt của bao đồng nghiệp chứng kiến cảnh ấy, một nỗi tủi hổ chưa đủ mà là một nỗi đau buốt chưa từng có.

Câu chuyện cho thấy sự tôn trọng của xã hội về hình ảnh người thầy người cô đang đi xuống. Nhưng tôi không mất niềm tin, bởi vẫn còn những con người tử tế thì tình cảm về thầy cô giáo vẫn luôn thiêng liêng, kính trọng.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP