Giáo dục

Học sinh phải “cân não” nhiều hơn với môn tiếng Anh

Cô giáo Nguyễn Phương – GV tiếng Anh nhận định: “Nhìn chung đề năm nay khó hơn năm ngoái và nội dung câu hỏi rất thực tiễn với người học. Có những câu phân loại thí sinh khá rõ rệt. Đề này đáp ứng đúng mong đợi của tôi về độ khó dành cho người học”.

Cô giáo Nguyễn Phương

Cô Phương cho biết, Đề thi minh họa môn tiếng Anh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài không hề thay đổi. Cấu trúc và số lượng từng phần thì cũng hề thay đổi. Sự thay đổi nằm trong phần từ vựng trong đề. Đề năm nay xuất hiện nhiều từ vựng mới lạ.

Cụ thể như sau:

Phần: Trọng âm và Chọn từ có cách phát âm khác

Đề năm nay vẫn giống đề năm ngoái, có 2 câu trọng âm. Trong đó 1 câu là vẫn tìm trọng âm của từ 2 âm tiết và 1 câu là tìm trọng âm của từ 3 âm tiết. Phần chọn từ có cách phát âm khác thì cũng là 2 câu và nội dung kiến thức cơ bản và đảm bảo học sinh sẽ làm được nếu nắm được kiến thức cơ bản.

Độ khó: Phần này tương đương với năm ngoái. Học sinh có thể dễ dàng làm bài này vì đây là kiến thức cơ bản

Phần: Tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa

Số lượng câu không có gì thay đổi, vẫn là 4 câu hỏi nhưng độ khó thì hơn hẳn. Học sinh phải biết được nhiều từ vựng mới nâng cao, cũng như phải nắm được thành ngữ thì phải làm tốt 2 dạng này. Đây có lẽ là 4 phân loại thí sinh rõ rệt trong đề thi này.

Phần: Chức năng giao tiếp

Phần này nội dung khó hơn đề thi năm 2017 một chút, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng của thí sinh, nếu không rất dễ chọn nhầm đáp án.

Phần: Điền từ vào bài đọc đục lỗ và đọc hiểu

Phần này nội dung cũng như từ vựng thiên về kiến thức lớp 11, 12.Ví dụ như bài đục lỗ nói về tình bạn (thì trong chương trình lớp 11 các em có bài đọc về Friendship), bài đọc có nội dung về Higher education và Reading thì trong chương trình lớp 12 các em cũng gặp nội dung này. Số lượng câu hỏi trong những phần này không thay đổi nhưng độ khó tăng cao hơn. Bài đọc năm nay có phần dài hơn năm 2017. Cụ thể là bài đọc số 2 dài hơn, có nhiều từ mới hơn và có xuất hiện từ tiếng Pháp như baccalauréat,academies. Điều này dễ làm cho học sinh choáng váng khi nhận dề nhưng các em cứ yên tâm và đừng quan tâm tới những từ đó. Các em không cần phải biết nghĩa những từ đó mà vẫn có thể làm tốt được.

Phần: Tìm lỗi sai

Phần tìm lỗi sai năm nay cũng có 1 câu khó hơn năm ngoái để phân loại thí sinh.

Phần: Tìm câu đồng nghĩa và kết hợp câu

Độ khó so với năm ngoái cũng tăng cao, học sinh sẽ có cơ hội dùng đến kiến thức nâng cao, chứ không đơn thuần là kiến thức cơ bản. Phần tìm câu đồng nghĩa năm nay dài hơn năm ngoái.

Cô Phương nhận định: “Nhìn chung đề năm nay khó hơn năm ngoái và nội dung câu hỏi rất thực tiễn với người học. Có những câu phân loại thí sinh khá rõ rệt. Đề này đáp ứng đúng mong đợi của tôi về độ khó dành cho người học. Đề này cũng xứng đáng làm đề thi dùng để xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển ĐH. Số lượng câu hỏi thì không có gì thay đổi nhưng khác ở nội dung kiến thức ngữ pháp. Khi làm đề này thì số lượng điểm 10 sẽ ít hơn năm ngoái.

Về câu hỏi kiến thức đề năm nay bao phủ trong lớp nào thì câu trả lời chắc chắn đó là lớp 10, 11, và 12. Bởi kiến thức môn Anh thì luôn liên kết với nhau chứ không bao giờ tách rời giữa từng lớp cụ thể. Để làm tốt được đề minh họa này, các em cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp cũng như từ vựng đầy đủ của cả 3 lớp và nên ôn luyện thêm những cấu trúc nâng cao, mở rộng thêm từ vựng cũng như cụm từ, thành ngữ”.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP