Giáo dục

Hành trình tìm học bổng du học cho con của bà mẹ TP HCM

Cha mẹ phải đồng hành cùng con trong cuộc đua săn học bổng du học trung học, nếu không con sẽ khó đến đích.

Cùng con trai săn học bổng vào trung học và đại học ở Mỹ thành công, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bích Hậu (nhà báo ở TP HCM) đăng trên trang cá nhân đang thu hút độc giả. VnExpress giới thiệu loạt bài viết của tác giả.

Cha mẹ phải đồng hành cùng con

Tôi đã gặp nhiều phụ huynh muốn cho con du học trung học ở Mỹ, Australia, Canada bằng học bổng. Họ thường nói: "Nếu con tôi thi được học bổng, tôi mới cho đi. Con phải tự cố gắng và tự đi tìm ra học bổng".

Nghe xong, tôi thường nói thế thì chắc là các cháu phải ở nhà rồi, bởi để có học bổng du học trung học hay cả đại học, sau đại học đều rất khó. Một mình các cháu không thể làm, trừ số ít cháu rất xuất sắc và gặp may. Nếu anh chị nói để con tự lo chẳng bằng đánh đố con.

Trường Phillips Academy Andover ở bang Massachusetts (Mỹ). Ảnh: andover.edu

Hiện, học bổng cho khối trung học dường như chỉ có Mỹ và Anh, các nước Australia, New Zealand, Canada rất hiếm. Trong đó, Mỹ luôn có nhiều học bổng, có thể cho tất cả các năm, còn Anh thường cấp ít năm hay chỉ một năm.

Học bổng ở Mỹ rất sẵn nhưng là sẵn với người Mỹ, với du học sinh thì rất khó khăn. Vì vậy, để tìm ra trường cho học bổng là cuộc chiến đấu trong đó tỷ lệ thua nhiều hơn. Song, hễ đã thắng thì kết quả huy hoàng, đó là tiền học bổng. Học bổng này chủ yếu do khối trường trung học tư thục nội trú cấp. Khối trường này chỉ dành cho nhà giàu ở Mỹ với học phí 40.000-100.000 USD mỗi năm.

Nhiều người Việt Nam định cư ở Mỹ cũng không có tiền cho con học loại trường này, mà chỉ dám cho học trường công vốn có chất lượng và cơ sở hạ tầng thấp hơn. Giành được học bổng, con bạn có cơ hội nhận được nền tảng giáo dục hàng đầu thế giới, du học trung học giúp các cháu có thể hòa nhập tốt với cuộc sống ở Mỹ, dễ săn học bổng vào đại học và dễ thích nghi với môi trường này hơn.

Đầu tư tiếng Anh đúng cách

Tôi có thời gian dài làm việc trong một đơn vị liên doanh với nước ngoài từ những năm 1990, từ đó tôi hiểu được ngoại ngữ rất quan trọng. Bởi thiếu người nói tiếng Anh nên cơ quan tôi bấy giờ tuyển khá nhiều người giỏi tiếng Anh ở Sài Gòn trước 1975 và thêm nữa là Việt kiều từ Mỹ trở về.

Họ được hưởng lương cao, ưu đãi trong khi chuyên môn thực sự đôi khi chỉ là... tiếng Anh. Do đó, tôi quyết tâm cho con học tiếng Anh đàng hoàng. Lúc bé, tôi cho cháu học tiếng Anh ban đầu ở trường mẫu giáo. Trường mời các thầy cô là người nước ngoài qua Việt Nam làm việc ngắn hạn tới dạy tiếng Anh cho trẻ con. Học không được bao nhiêu, nhưng phần nào cũng biết một chút.

Lên lớp 1, cháu vào học song ngữ Anh văn ở một trường công ngay quận 1, ở nhà thì có một sinh viên tới dạy kèm. Tới lớp 3, gia đình cho cháu học ở trung tâm Anh văn thiếu nhi, học một lèo mấy khóa. Lên đến lớp năm, cháu học tới hai khóa cuối cùng nhưng khi đó lại vắng người học.

Tiền đã nộp mà chờ 3-4 tháng ròng không thấy trường mở lớp. Chán quá, gia đình lên khiếu nại thì mới biết Anh văn thiếu nhi là như thế, càng học lên cao càng chả ai theo nên đành rút học phí về chuyển sang trung tâm Anh văn thiếu nhi khác.

Song, tình trạng chẳng khá hơn nên tôi quyết định cho cháu vào trung tâm người lớn và đăng ký học TOEFL iBT. Trước đó, anh hai của cháu đã học TOEFL và thấy chứng chỉ này rất hữu hiệu.

Thi đầu vào xếp lớp thì cháu vào luôn khóa thứ hai nên mỗi ngày, cả nhà thay phiên đưa đón cháu đi học. Càng học lên cao, càng không có người học, cháu học lớp 6-7 mà vào học Anh văn cùng với các anh chị học thạc sĩ lớn kều. Nhưng đành vậy.

Tới những khóa cuối cùng, trường đuối vì không thể chiêu sinh. Tôi đành lên tận nơi, nói đi nói lại mãi mới tìm ra cách là đưa cháu về trung tâm lớn nhất của trường ở quận 1 vì chỉ nơi đó mới có thể có khóa cuối cùng. Cháu cứ học vài tháng lại chờ 1-2 tháng, cho tới khi học xong tất cả cuốn TOEFL iBT. Và chỉ còn thi xong là tạm ổn phần Anh ngữ.

Học sinh trung học trường Phillips Academy Andover ở bang Massachusetts. Ảnh: andover.edu

Nói như vậy để các bậc cha mẹ hiểu rằng tiếng Anh cực kỳ quan trọng. Nếu không có tiếng Anh tốt, các cháu không thể có học bổng, cũng chả có thể du học suôn sẻ được.

Trong khi các bậc cha mẹ phần lớn khi đầu tư cho con học Anh ngữ thì không có mục tiêu. Nhiều gia đình đăng ký cho con học loanh quanh mãi ở trình độ thấp. Hoặc một tình cảnh khác là cho con học chứng chỉ không phải là TOEFL (với việc du học ở Mỹ, Canada), hay IELTS (du học Anh, Australia, New Zealand). Tất nhiên hai chứng chỉ này có thể quy đổi, nhưng nếu làm đúng chuẩn sẽ dễ hơn cho các cháu. Bởi các kỹ năng trong thi hai chuẩn này có sự khác nhau.

Và khi quy đổi thì khối dùng TOEFL thường đánh giá phần chuyển ngang từ điểm IELTS qua thấp hơn, và ngược lại. Nếu đi đúng đường và đi một lèo để vượt qua tình trạng các trung tâm Anh ngữ càng học lên cao càng không thể mở lớp thì sẽ nhanh hơn. Dĩ nhiên không cách nào để học tiếng Anh cấp tốc đủ điểm đi du học được mà cần cả một quá trình rất dài.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Hậu

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Bà mẹ , học bổng , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP