Giáo dục

Hàng loạt trường học ở Phú Quốc bị dự án “nuốt chửng”

Đảo ngọc Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thật sự “nóng” lên khi được quy hoạch là đặc khu kinh tế. Hàng loạt tập đoàn lớn ồ ạt nhảy vào Phú Quốc đầu tư xây dựng khách sạn, resort... Đáng nói, nhiều trường học ở Phú Quốc bị các dự án này “nuốt chửng” hoặc xí phần, đưa vào dự án.

Thực trạng này khiến thầy trò ở Phú Quốc khổ sở trong việc dạy và học.

Theo cáo báo tình hình trường học bị quy hoạch giải tỏa của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Quốc, tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 trường học bị giải tỏa. Các trường học này nằm trên địa bàn thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương và xã Dương Tơ. Các trường học được chính quyền địa phương lấy để làm chợ, làm đường…

Trong số này, điển hình nhất là trường tiểu học Dương Đông 2 (ngôi trường lâu đời nhất Phú Quốc) vừa xây xong, có 4 phòng làm việc, 10 phòng học, tổng vốn đầu tư trên 3,8 tỷ đồng nhưng bị UBND huyện Phú Quốc thu hồi giao cho nhà đầu tư xây dựng chợ Dương Đông (khoảng năm 2012), khai thác sử dụng. Đáng nói, đơn vị này chỉ bồi thường tiền xây trường, không bồi thường tiền đất hay giao đất khác cho ngành giáo dục xây trường mới.

Trường tiểu học Dương Đông 2 bị lấy làm chợ, dù ngôi trường này có bề dày lịch sử. Khi chính quyền địa phương lấy trường giao cho doanh nghiệp, đơn vị này không bồi thường tiền đất hoặc giao đất khác cho ngành giáo dục xây trường mới.

Ngoài ra, trong báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc còn cho thấy hiện nay có 10 điểm trường nằm trong quy hoạch phải giải tỏa khi các dự án triển khai. Trong đó, tại xã Bãi Thơm có 4 điểm trường (3 điểm trường cấp tiểu học và THCS; 1 điểm trường Mầm non) trong diện chờ giải tỏa để giao cho các dự án Nam Bá, dự án City Land, tập đoàn Xuân Thành và Công ty Viễn Thông HTI. Đáng nói, dù các trường được đưa vào qui hoạch, giải tỏa nhưng chính quyền địa phương, nhà đầu tư chưa tính đến phương án giao đất khác để xây trường mới.

Trong báo cáo về tình hình quy hoạch trường lớp ở xã Bãi Thơm (tháng 10/2017), ông Đào Văn Đông - Chủ tịch xã Bãi Thơm nêu quan điểm: “Hiện nay các dự án đã công bố quy hoạch nhưng chưa triển khai. Hơn nữa, do đặc thù xã Bãi Thơm rộng lớn, các ấp xa nhau nên không thể tập trung học sinh về điểm chính học được. Do vậy cần duy trì các điểm lẻ, các trường có hai cấp học. Và khi doanh nghiệp triển khai dự án, phải xây phòng học trước, địa phương mới bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư”.

Điểm trường Rạch Vẹm (thuộc trường tiểu học và THCS Gành Dầu) bị đưa vào qui hoạch đã lâu nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa triển khai, hiện trường lớp xuống cấp trầm trọng gây khó khăn cho việc dạy và học của thầy trò nơi đây.

Sáu điểm trường trong diện giải tỏa còn lại tập trung ở các xã Gành Dầu (2 điểm trường), xã Hàm Ninh (2 điểm trường), xã Hòn Thơm (1 điểm chính) và thị trấn Dương Đông (1 điểm trường). Đáng nói nhất là trường tiểu học Dương Đông 3, ngôi trường nằm ngay trung tâm thị trấn Dương có tổng diện tích trên 9.800m2 hiện có 32 phòng học nhưng cũng bị lọt vào qui hoạch Khu dân cư và du lịch Thành phố Con đường tơ lụa với diện tích bị lấy hơn 6.500m2 đất.

Ông Đống Thành Đạt - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc cho biết: “Từ việc nhiều trường học bị thu hồi phục vụ các dự án cũng như các trường học nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa… đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành giáo dục Phú Quốc. Cộng với thực tế tăng dân số cơ học đã làm nhiều trường học trên địa bàn thị trấn Dương Đông đang bị vượt chuẩn qui định về qui mô lớp học/trường và sĩ số học sinh/lớp học. Chẳng hạn, như: trường THCS Dương Đông 1, nhiều lớp từ 48 - 51 HS/lớp”.

Điểm trường này cũng bị lọt vào qui hoạch. Theo khảo sát của PV, 10 điểm trường bị lọt vào qui hoạch đều nằm ở những vị trí đắc địa ở Phú Quốc, như: gần biển, trung tâm, đường lớn...

Ngoài ra, do một số trường học nằm trong quy hoạch, chờ giải tỏa, như điểm trường tiểu học và THCS Rạch Tràm (xã Bãi Thơm), trường tiểu học và THCS Rạch Vẹm (xã Gành Dầu), trường tiểu học và THCS Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) trường lớp xuống cấp trầm trọng, tuy nhiên ngành giáo dục không được đầu tư xây dựng mới, chỉ được phép sửa chữa nhỏ, như: sơn tường, gia cố bàn ghế, cửa phòng học… Chính việc này ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy trò nơi đây trong suốt nhiều năm qua.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, các trường học bị thu hồi hoặc lọt vào qui hoạch phần lớn nằm ở vị trí đắc địa, như gần biển, đường lớn, trung tâm đô thị,… Tổng số phòng học của 10 điểm trường chờ giải tỏa lên đến 88 phòng học, tuy nhiên đến nay chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa có phương án xây trường mới.

Tại sao lãnh đạo huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lấy hàng loạt trường học giao cho các doanh nghiệp? Liệu có hay không sự ưu ái nào đó?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP