Giáo dục

Hai nữ sinh vẽ truyện tranh về trận Gạc Ma

32 trang truyện tranh nói về trận Gạc Ma 30 năm trước được hai nữ sinh ở Quảng Trị hoàn thành trong 5 tháng.

Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như, học sinh THCS Nguyễn Trãi (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) vốn đam mê truyện tranh, yêu thích lịch sử và có năng khiếu hội họa. 5 tháng trước, cả hai quyết định thực hiện một dự án kể chuyện lịch sử bằng truyện tranh.

Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như tại cuộc thi khoa học cấp quốc gia ở Nghệ An.

"Trận Gạc Ma cách đây 30 năm là sự kiện bi tráng, 64 người con của dân tộc đã ngã xuống để giữ đảo, nhưng ít người biết đến do chưa có nhiều sách, tài liệu nói về chủ đề này. Trong khi đó, ngay tại Đông Hà (Quảng Trị) có nhiều nhân chứng sống của Gạc Ma, lưu giữ rất nhiều ký ức…", Huyền chia sẻ.

Nhận thấy nhiều bạn bè không hứng thú, thậm chí sợ môn lịch sử vì các số liệu, sự kiện phải ghi nhớ chính xác, nhưng lại thích trang sách có hình ảnh minh họa, Huyền và Như quyết thực hiện dự án Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh Gạc Ma và những người anh hùng.

Cô giáo Trần Thị Thanh Ước nhiệt tình ủng hộ hai nữ sinh, trở thành người hướng dẫn. Tranh thủ những ngày không phải lên lớp, ba cô trò ngồi tìm hiểu lịch sử, chuẩn bị tư liệu và lên kịch bản cho cuốn truyện.

Bộ truyện tranh của Huyền và Như.

Sau 5 tháng, 32 trang truyện tranh bằng giấy A4 với những nét vẽ bút chì, tô màu kể về diễn biến trận Gạc Ma ngày 14/3/1988 hoàn thành.

Theo cô Ước, bản thân chỉ là giáo viên Sinh học, nhưng lại say mê lịch sử. Cô luôn đau đáu về sự kiện Gạc Ma khiến 64 người lính hy sinh. "Để có thông tin chính xác, cô trò phải đi gặp nhân chứng, tìm hiểu sách báo. Nội dung các bức tranh được thảo luận kỹ, mất nhiều thời gian", cô Ước chia sẻ.

Trang 12 trong bộ truyện.

Từng xem bộ truyện tranh, cựu chiến binh Trần Thiên Phụng ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã gửi thư cho hai nữ sinh Huyền và Ngọc, đánh giá rằng đây là việc làm quý báu.

"Bấy lâu chúng ta chỉ nghe kể hoặc đọc thông tin trên báo đài, bác cũng lo không biết thế hệ trẻ sau này có biết về trận chiến Gạc Ma năm 1988 hay không? Nhưng bác tin, với tập truyện rất sinh động này, nếu đến với các bạn nhỏ thì tuổi trẻ như các cháu sẽ biết nhiều hơn, rõ hơn về sự hy sinh, mất mát của cha ông trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung", thư viết.

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Nghệ An ngày 10-13/3, dự án của ba cô trò đạt giải nhì.

Hai nữ sinh đã mất 5 tháng thực hiện dự án.

"Niềm vui lớn nhất với cô trò là làm được một món quà nhỏ dành tặng anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc nhân 30 năm trận chiến Gạc Ma", cô Ước nói.

Tác giả: Hải Bình

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP