Đó là giải thích của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Hạ Hòa, người trực tiếp tham gia vào tổ ra đề thi học kỳ 1 môn ngữ văn với câu hỏi 7 điểm liên quan đến ca sĩ ChiPu khiến dư luận dậy sóng.
Theo cô Nhung, việc ra đề thi căn cứ vào quy trình, cấu trúc ma trận trước khi ra đề kiểm tra. Hơn nữa lớp trong chương trình học văn của lớp 10 có dạng bài văn tự sự nên việc ra đề làm sao đó để học sinh hóa thân vào nhân vật.
Mặt khác, phần lớn người đọc không hiểu và không phân biệt rõ nên đã dẫn đến sự hiểu lầm. Thực tế đây không phải là văn nghị luận hay cho theo dạng đề mở mà là văn tự sự, cần thiết nội dung phải bám sát vào đời sống xã hội đương đại.
Cạnh đó, với mỗi một đề kiểm tra đều phải xác định mục tiêu và năng lực cần hướng tới. Mục tiêu gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh. Trước khi một đề thi được sử dụng vào kiểm tra, phải trải qua một hội đồng và tham khảo ý kiến của một nhóm.
Cũng theo cô Nhung, việc đưa Chi Pu vào đề thi vì đây là một người trẻ tuổi, đang khao khát đánh dấu tên tuổi, sự nghiệp của mình bằng lao động nghệ thuật nhưng chưa được những người đã thành công nhìn nhận. Vì vậy, mục đích của đề bài muốn học sinh hãy hóa thân vào nhân vật để kể lại một ngày trong tình thế đối diện với hoàn cảnh nêu trên.
“Khi đặt mình vào vị trí của Chi Pu, học sinh sẽ đặt mình vào hoàn cảnh của cô ca sĩ đang bị giới văn nghệ sĩ miệt thị, ném đá nhưng cô không chịu lùi bước mà vẫn cố gắng thực hiện niềm đam mê của mình… Đó là cái mà chúng tôi muốn các em hướng đến. Với lại đây chỉ là bài văn tự sử kể về một ngày bình thường của một ca sĩ đối mặt với hoàn cảnh bất lợi như trên, không vi phạm bất cứ chuẩn mực về đạo đức và pháp luật nào cả” - cô Nhung nói.
Tác giả: Hải Âu
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM