Giáo dục

Giáo viên “bật mí” kỹ năng làm bài thi THPT quốc gia

Đến thời điểm hiện tại, các trường THPT đã kết thúc những ngày ôn thi cuối cùng. Nhà trường đều nỗ lực giúp học sinh có kỹ năng làm bài tốt, tránh các hình thức học lệch, học tủ... Trong giai đoạn “nước rút” cận kề ngày thi, thầy cô giáo cũng không quên lưu ý những phương pháp ôn tập hiệu quả, nhất là đối với học sinh còn yếu…

Chú trọng kiến thức căn bản

Đến vớiKỳ thi THPT quốc gia năm 2018, học sinh phải chuẩn bị khối lượng lớn kiến thức, cả môn tự luận và trắc nghiệm được tổng hợp từ chương trình lớp 11 và 12. Tuy nhiên, phần nhiều tập trung chương trình 12, do đó, đòi hỏi thí sinh đáp ứng kiến thức chuẩn, có kỹ năng vận dụng linh hoạt, đồng thời đảm bảo cân bằng lượng thời gian giải quyết câu hỏi đề ra.

Nhằm giúp học sinh làm tốt bài tự luận Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Đăng - Giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) lưu ý các em học sinh những nội dung sau:

Thứ nhất, phần nghị luận văn học, trước hết các em cần nắm vững phần truyện, thơ và văn xuôi. Khó khăn phổ biến nhất là một số tác phẩm có dung lượng lớn, các em thường bỏ sót chi tiết, không nhớ được độ dài tác phẩm để hình dung toàn phần đầy đủ. Phải đọc và hiểu mới giải quyết được nút thắt cơ bản đầu tiên.

Đề thi có lồng ghép chương trình lớp 11, số lượng tác phẩm phải thuộc nhiều hơn thì các em càng dễ phân tán. Nên học xong bài nào áp dụng “cuốn chiếu” bài đó, cách học theo sơ đồ tư duy rất có ích trong việc liên hệ tác phẩm. Từ quá trình xác định được dạng kiến thức căn bản đến liên hệ tác phẩm, đó sẽ là cầu nối giúp học sinh triển khai tốt luận điểm, không bị nhớ nhầm, hình dung bài học dễ dàng hơn.

Thứ hai, là việc quy định 200 chữ cho bài nghị luận xã hội, số chữ được khống chế gây áp lực cho thí sinh. Bởi hầu hết các em chưa kiểm soát tốt dung lượng chữ, mắc lỗi phân bổ cấu trúc chưa phù hợp; việc lấy dẫn chứng quá dài sẽ xa rời việc bàn luận và giải thích. Bên cạnh đó, dẫn ra những câu chuyện có tính thực tế chưa cao sẽ khó vận dụng, các em sẽ loay hoay trong việc phân tích.

Như vậy, để khắc phục lỗi thường gặp, học sinh cần chú ý nội dung bàn luận, đi trực tiếp làm bài, lập luận điểm chi tiết rõ ràng, lấy dẫn chứng không lan man dài dòng, dung lượng ít nên bài viết cần cô đọng. Triển khai bài viết bám sát vào nội dung đề bài yêu cầu, vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng làm bài thi.

Chú ý dạng kiến thức đặc biệt

Tương tự ở môn Toán, cũng phải thuộc kiến thức căn bản từ những dạng: định nghĩa, khái niệm, kỹ năng giải bài tập, kỹ năng sử dụng máy tính… Với hình thức thi trắc nghiệm đa dạng câu hỏi dàn trải kiến thức 2 khối.

Cô Trần Thị Hồng Vân - Giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) hướng dẫn một số kỹ năng tập trung làm bài cho thí sinh như sau:

Các em nhất định phải trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết, ôn tập đan xen chương trình 11 và 12 để nhớ kỹ, phần nào có liên quan sẽ lồng ghép ôn với nhau để tránh mất thời gian. Không được bỏ qua kiến thức căn bản, tránh lạm dụng máy tính bỏ túi trong trường hợp không cần thiết, biết điều phối thời gian cho câu hỏi.

Kết thúc ôn tập tập trung, thời gian nước rút còn lại học sinh nên hệ thống kiến thức, tìm giải mẫu đề luyện thi được thầy cô cung cấp, tự tìm trên mạng Internet, truy cập vào những ứng dụng thi thử có tính thời gian, giúp các em tự đánh giá khả năng của mình thêm lần nữa.

Xoay quanh các chủ đề của môn Toán, các em gặp khó ở phần hình học không gian. Vững chương trình 11 thì chương trình 12 giảm gánh nặng cho các em. Ở các chương quan hệ song song, vuông góc, bài toán về khối đa diện bắt buộc học sinh phải tập trung nhiều hơn. Kết thúc bài nào thì bài tập cũng phải giải quyết dứt điểm, nâng cao đến vấn đề giải bài toán hình lồng trong hình các em không bị rối.

Cần có 3 phần để kiến thức hình học được mạch lạc: Hình học phẳng, hình học không gian và các khối đa diện. Phải chú ý mối liên hệ giữa các nội dung, từ đó là cách nhanh nhất để các em giải bài toán thuận lợi, rút ngắn thời gian tập trung cho câu hỏi khó.

Thí sinh cũng lưu ý đại số phần logarit và hàm số mũ. Lỗi các em dễ gặp phải là không học kỹ về hàm số, không vững công thức logarit và tính chất của chúng, chú trọng việc giải phương trình sẽ không thể giải quyết được những dạng toán nâng cao. Những vấn đề thiếu điều kiện của các trường hợp đặc biệt, không quét hết các trường hợp dẫn tới dễ xảy ra sai sót.

Ngoài ra, công tác phân hóa học sinh giúp cô Hồng Vân nắm được tình hình học tập của các em tốt hơn như: Phân hóa trong và phân hóa ngoài chia học sinh theo trình độ, nhằm bổ trợ mức độ bài tập phù hợp, lấy lại kiến thức hỏng cho những em mất kiến thức gốc… Song song đó, soạn giảng phân hóa được áp dụng ngay trên lớp, các em làm bài tập vận dụng theo năng lực, hoàn toàn không áp đặt việc đồng đều mặt bằng học tập.

Để học trò đạt kết quả tốt trong Kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên phải chủ động tìm tòi nguồn tài liệu tham khảo, không nhất định “đóng khung” lượng kiến thức nào. Hiện nay, giáo viên và học sinh có thể tương tác trực tiếp qua kênh mạng xã hội ngoài giờ lên lớp. Với thuận lợi này, thầy trò có thể trao đổi nội dung bài học kịp thời và giải đáp các thắc mắc khi cần thiết. Với quyết tâm và nỗ lực của thầy, trò, tất cả đều hướng đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP