Giáo dục

Giáo dục vùng khó Nghệ An: Bộn bề nỗi lo cơ sở vật chất trường học

Trước mỗi năm học mới, vấn đề cơ sở vật chất trường học lại được đặt ra với ngổn ngang lo lắng.


1 TXZZ

Số lượng HS biến động, yêu cầu về môi trường học tập ngày càng cao, trong khi xây dựng mới, tu sửa, bổ sung trường lớp lại không thể giải quyết trong ngày một ngày hai…

Những ngôi trường “khuyết”

Xã Hưng Yên Nam, được tách ra từ xã Hưng Yên (Hưng Nguyên) năm 2009, đến nay vẫn chưa có trường mầm non mới. Các lớp mầm non được chia ra thành 7 phân hiệu, học trong các nhà văn hóa xóm.

Để đảm bảo các điều kiện dạy và học, các nhà văn hóa này được xây hàng rào bao quanh, nâng cấp sân bãi, làm mái che sân chơi, lắp hệ thống điện…

Tuy nhiên, công trình vệ sinh và nước sinh hoạt thì không có. Cô Đặng Thị Thiện - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Yên Nam - chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có một ngôi trường tập trung để nâng cao công tác dạy học và cho cô và trò đỡ khổ”.

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết: Hiện tại đã quy hoạch được đất xây trường mầm non, nhưng ngân sách xã không đủ, nên địa phương vẫn đang chờ đợi tấm lòng của các mạnh thường quân.

Tại huyện miền núi Tương Dương, Trường THCS Lưu Kiền có hơn 100 HS ở nội trú (chiếm hơn 50% HS của trường). Ký túc xá của các em đã được xây nhưng chưa có cơ sở vật chất bên trong. Phòng tự học, phòng bếp là một ngôi nhà gỗ cũ kỹ, tạm bợ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng - chia sẻ: Khó khăn thì thầy cô giáo có thể cố gắng được nhưng chỗ ăn, chỗ ở không ổn định thì rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng đến tâm lý HS và phụ huynh. Hơn nữa nếu tình trạng này kéo dài có nguy cơ tăng khả năng HS bỏ học.

Được biết, toàn huyện Tương Dương còn thiếu 114 phòng kí túc, 54 điểm trường thiếu nguồn nước, 45 điểm trường nhà vệ sinh còn tạm bợ. Rất nhiều trường học do đã xây dựng lâu nên thời điểm này đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, hệ thống các trường phổ thông DTBT và DTNT THCS cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 27/42 trường theo quy hoạch đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do mới thành lập, chưa được đầu tư nên nhiều trường đang phải học nhờ, học tạm.

Nhiều dự án nâng cấp trường học “giẫm chân tại chỗ”

Tại TP Vinh, Trường Mầm non Cửa Nam, Trường Tiểu học và THCS Hưng Phúc mặc dù thành phố đã lên kế hoạch nâng cấp, xây dựng mới nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Trường Tiểu học Vinh Tân, khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng do thiếu kinh phí thực hiện nên phải “đắp chiếu” nhiều năm và cho đến năm học này mới bắt đầu hoàn thành để đi vào sử dụng.

Ở bậc THPT, việc xây dựng, sửa chữa Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng phải gián đoạn do nguồn vốn về nhỏ giọt, nguồn vốn đối ứng của nhà trường không cân đối đủ.

Ở huyện Yên Thành, ít nhất có 5 dự án đã lên kế hoạch xây dựng nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai hoặc đang dang dở. Trong đó, Trường Tiểu học Đô Thành, nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng sau gần hai năm triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thành (dù xã đã được công nhận nông thôn mới).

Đứng trước thực tế này, hiện Sở GD&ĐT Nghệ An đã lên kế hoạch đầu tư công cho năm 2017, trong đó, đề nghị bố trí vốn nhưng công trình chưa hoàn thành như 7 trường PTDT bán trú, bố trí vốn để xóa phòng tạm, mượn ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong…

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Do nguồn vốn hạn chế nên các công trình khởi công mới được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Trước mắt, sẽ ưu tiên các công trình đã có dự án đầu tư được phê duyệt, các dự án đã có chủ trương đầu tư được phê duyệt, các đơn vị vật chất quá khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia nhằm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh trường học.

Tác giả bài viết: Hồ Lài

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP