Trường hợp sau được các cơ quan hữu trách xác định xảy ra ở Trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Bé trai tên là Phát, 4 tuổi, bị giáo viên buộc dây vào cổ áo rồi cột lên song sắt cửa sổ để "giam" lại.
Cả hai trường hợp đều phản cảm, đều gây phẫn nộ trong dư luận. Trường hợp ở Quảng Bình với lý do học sinh nói tục khiến cho lớp bị ảnh hưởng thành tích thi đua nên cô giáo trừng phạt bằng cách sai mỗi học sinh tát em này 10 cái, 23 bạn tát 230 cái, cô tát bồi một cái nữa là 231. Không ai chấp nhận hình thức đòn roi kiểu này, nhất là khi nó xuất phát từ bệnh thành tích. Sự việc được đẩy lên cao trào khi em học sinh bị tát phải nhập viện điều trị và vụ việc được tung lên mạng xã hội. Công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án này và trong lúc cơ quan điều tra đang xem xét việc khởi tố bị can thì "cô giáo 231 cú tát" đã nhập viện cấp cứu vì bị sốc tinh thần, thể trạng sa sút.
Nếu quan sát vụ việc dưới góc nhìn nhiều tiêu cực của ngành giáo dục, trong đó có vấn đề đạo đức người thầy, thì nhiều người hẳn sẽ đồng tình với việc xử thật nặng tay đối với nữ giáo viên đó. Trước hết là để cô tự uốn nắn bản thân bởi đó không phải là lần đầu tiên cô tát hoặc sai người khác tát học sinh phạm lỗi và hành động này phải bị trả giá vì có dấu hiệu hành hạ người khác hay làm nhục người khác. Ngoài ra còn để răn đe các đồng nghiệp có "máu" bạo lực khác vì đã xảy ra khá nhiều vụ thầy cô thượng cẳng chân - hạ cẳng tay với học trò.
Nhưng nếu nhìn vụ việc bằng góc độ của người trong ngành giáo dục hoặc thật sự am hiểu nghề dạy học thì hẳn sẽ dễ cảm thông. Giáo viên không chỉ canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền mà phải gánh trên vai biết bao áp lực khác. Sự căng thẳng thường trực đó gặp phải tình huống tức giận vượt tầm kiểm soát của bản thân thì sẽ dẫn đến hành động lệch chuẩn. Và có khi chỉ cần một lần xử sự lệch chuẩn thôi là đi tong cả đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Nói như vậy không phải bênh cô giáo chỉ đạo tát học trò mà cần cái nhìn đa chiều về vụ việc, bởi trong mọi trường hợp đều có câu chuyện riêng của nó. Trường hợp cột em Phát ở Trường Mầm non B Trực Đại cũng vậy. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục Trực Ninh, Phát bị tự kỷ, chậm phát triển, câm điếc, hay hú hét và chạy nhảy, giẫm, tông vào các bạn khác. Các cô giáo phải buộc dây (không thường xuyên) để an toàn cho Phát và các bạn.
Thêm vụ việc này mới thấy rõ hơn rằng vì truyền thống tôn sư trọng đạo nên xã hội luôn kỳ vọng vào người thầy, luôn muốn hình ảnh người thầy phải trong sáng, đẹp đẽ nhất và phải đẹp từ trong bản chất chứ không phải phô diễn hào nhoáng bên ngoài. Để được như vậy, từng nhà giáo phải luôn tự răn mình, trong đó tránh xa bạo lực trong giáo dục là một yêu cầu tối quan trọng từng thầy cô cần phải thuộc nằm lòng.
Tác giả: Hoài Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động