Giáo dục

Giá sách giáo khoa tăng 3 lần: Một cuốn sách cõng nhiều loại phí?

Theo chuyên gia, sách giáo khoa tăng là do cõng theo nhiều chi phí như thực nghiệm, phát hành chứ không đơn thuần là vì giá giấy, giá mực, chi phí in ấn tăng.

Những ngày qua, dư luận xã hội đặt nhiều sự quan tâm đến việc giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tăng lần lượt gấp 3 lần và 3,56 lần so với bộ sách hiện tại. Còn nhớ năm 2020, giá sách giáo khoa lớp 1 cũng tăng phi mã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc. Theo lý giải của các nhà xuất bản, giá sách tăng là do những chi phí về in ấn, thù lao cho các tác giả tăng. Như vậy việc tăng giá sách giáo khoa là phù hợp với quy định của thị trường.

Trước đây, việc biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa được nhà nước bao cấp. Bộ GD&ĐT sẽ lựa chọn những học giả có chuyên môn, uy tín để viết sách. Sách giáo khoa viết xong sẽ được đưa lên Hội đồng đánh giá để thẩm định sau đó thực nghiệm tại các cơ sở giảng dạy. Sau một năm thực nghiệm, các tác giả và hội đồng thẩm định sẽ cùng ngồi lại để đánh giá toàn diện về bộ sách. Cuối cùng là đưa ra in ấn đại trà. Cách làm thế này nhằm hướng đến việc phổ cập sách giáo khoa vì thế giá sách rất rẻ, phụ huynh nào cùng có thể mua được. Và trước đây cũng không bao giờ có chuyện lùm xùm liên quan đến câu chuyện tăng giá sách giáo khoa.

Hiện cơ chế biên soạn, thực nghiệm và in ấn khác xưa, không còn được bao cấp mà tuân theo quy luật thị trường. Các nhà xuất bản cạnh tranh nhau về giá, về thị trường thực ra là đang kinh doanh. Vì vậy họ phải cân đối chi phí sản xuất, phát hành, thù lao cho các tác giả...để tối ưu lợi nhuận. Một bộ sách giáo khoa tăng giá là do cõng theo nhiều chi phí như thực nghiệm, phát hành.. chứ không đơn thuần là vì giá giấy, giá mực, chi phí in ấn tăng. Điều này cũng cho thấy giá sách giáo khoa tăng không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng. Cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng, tức là phụ huynh và học sinh.

Nói về cơ chế biên soạn, thực nghiệm và phân phối sách giáo khoa hiện nay có nhiều bất cập. Trước đây, việc tổ chức biên soạn và thực nghiệm là do các tác giả làm, và trình lên hội đồng duyệt sách để duyệt. Nếu hội đồng duyệt sách duyệt đạt sẽ cho in ấn đại trà còn nếu sai sót thì phải sửa lại.

Tuy nhiên với cơ chế hiện nay muốn thực nghiệm phải báo cáo lên Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ giao xuống các Sở, Sở giao xuống các Phòng, Phòng giao xuống nhà trường, nhà trường giao xuống bộ môn, bộ môn giao xuống giáo viên...Tức là việc thực nghiệm sách giáo khoa phải trải qua rất nhiều bước trung gian. Khó có thể biết sự minh bạch trong quy trình này.

Sách giáo khoa tăng giá không đồng nghĩa tăng chất lượng.

Tiếp đến là việc chọn sách giáo khoa. Trước đây, công việc này giao cho giáo viên. Họ cảm thấy bộ sách nào chất lượng, phù hợp thì sẽ chọn lựa. Nhưng hiện chính quyền địa phương quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa. Trong khi chính quyền địa phương là đơn vị quản lý không phải cơ sở giáo dục. Vì vậy họ không có chuyên môn về sư phạm nhưng lại là người nắm quyền lựa chọn sách giáo khoa. Nếu việc chọn sách minh bạch thì không sao nhưng nếu không minh bạch thì các nhà xuất bản phải "vận động" nhằm đưa bộ sách của mình đến các địa phương.

Cơ chế thực nghiệm và chọn sách giáo khoa cũng giống như mô hình tam giác, phần đỉnh trên cao nhọn, phần đáy thì rộng. Nếu muốn sách của mình được thông qua thì các nhà xuất bản chỉ cần "vận động" được phần đỉnh tức là những đơn vị đứng đầu.

Theo cơ chế nêu trên, các nhà xuất bản đang phải chạy đua để cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên không phải cạnh tranh về chất lượng mà lại cạnh tranh về giá, về thị trường. Việc này diễn ra ghê gớm và có thể có tiêu cực trong đó. Chẳng hạn có nơi, giáo viên phản ánh ở cơ sở họ lựa chọn một bộ sách giáo khoa nhưng khi lên cấp trên lại lựa chọn bộ khác. Cuối cùng những người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh, học sinh.

Quốc hội cần phải xem xét lại cơ chế tổ chức biên soạn, thực nghiệm, chọn sách và phân phối như hiện nay. Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, nhưng trong quá trình thực hiện có hiện tượng lợi dụng chủ trương này để thu lợi nhuận. Nghị quyết 88 của Quốc hội giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên. Nhưng khi đưa vào Luật giáo dục và các thông tư của Bộ GD&ĐT lại giao quyền chọn sách cho chính quyền địa phương. Mâu thuẫn ở đây là một bên trực tiếp giảng dạy, có chuyên môn sư phạm lại không được quyền chọn sách mà giao cho bên có chuyên môn quản lý lựa chọn.

Do vậy, giải pháp căn cơ là phải xem lại cơ chế biên soạn, thực nghiệm, chọn sách, phát hành sách như hiện nay có ổn hay không? Tốt nhất là giao quyền thực nghiệm về cho các tác giả, quyền chọn sách về giáo viên.

Tại nhiều quốc gia, sách giáo khoa là mặt hàng được nhà nước trợ giá nên dù được trình bày dưới bất kỳ hình thức nào, giá cũng rất rẻ, thậm chí người dân còn được phát miễn phí nhằm hướng tới sự phát triển giáo dục, hỗ trợ phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng tại Việt Nam quy trình biên soạn, lựa chọn, phân phối sách giáo khoa đang làm ngược lại theo phân tích ở trên. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho phụ huynh và học sinh.

Tác giả: PGS TRẦN XUÂN NHĨ

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP