Nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) dừng hoạt động ngày 5-6 vì mất điện - Ảnh: NGUYÊN BẢO |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích như vậy khi có báo cáo gửi đại biểu Tạ Thị Yên - phó Ban Công tác đại biểu - về một số vấn đề được quan tâm tại kỳ họp thứ 5, đặc biệt liên quan đến việc tại sao công ty mẹ EVN thua lỗ nhưng công ty con có lãi và các khoản tiền gửi ngân hàng.
Số dư nợ ngắn hạn lớn nên cần dòng tiền lưu động
Về vấn đề “EVN xin tăng giá điện, nhưng loạt công ty con đưa hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng” như phản ánh, EVN cho rằng với số tiền gửi cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỉ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty điện lực.
Theo tập đoàn này, các khoản dư nợ ngắn hạn cho thấy số nợ vay tại các đơn vị rất lớn. Vì vậy, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay.
Do đó số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện theo các hợp đồng đã ký kết. Số tiền này cũng giúp các đơn vị đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
EVN khẳng định các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng. Các đơn vị cũng phải thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện, có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỉ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục xin báo lỗ.
Điều đáng nói là công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng…
"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.
Nhập khẩu điện chỉ chiếm 1,3% sản lượng toàn hệ thống
Về việc tại sao nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, đề cập trong báo cáo gửi đại biểu, tập đoàn này cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày (chiếm chưa tới 1,3% sản lượng toàn quốc).
“Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, EVN cho hay.
Về năng lượng tái tạo, EVN cho hay thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc.
Đồng thời do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.
Tác giả: NGỌC AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ