Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 55,9 đồng, lên là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
EVN cũng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện được tập đoàn thực hiện căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương.
Trước đó vào ngày 31/3, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Giá bán lẻ điện chính thức tăng thêm gần 60 đồng/kWh từ ngày 4/5. |
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong mới đây, theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, giá than, giá dầu và tỷ giá là những vấn đề gây sức ép nhất với giá thành sản xuất điện năm 2022. Cụ thể, năm 2022, do EVN bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.
Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.
Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, năm 2022 là năm rất khó khăn của tập đoàn do bị lỗ rất lớn. Bản thân tập đoàn đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn. Do khủng hoảng nhiên liệu đầu vào của thế giới năm 2022, gồm cả khí, than và dầu, chi phí đầu vào của EVN tăng rất cao. Trong đó, giá than có những giai đoạn tăng gấp 4 lần so với năm 2021, giá dầu tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất điện tăng rất mạnh.
“Khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá điện như vậy là rất lớn nhưng do yếu tố đảm bảo an sinh xã hội nên chưa đưa khoản này vào chi phí giá thành điện”, ông Nam cho hay.
Với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.
Cùng với đó, tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Cụ thể theo tính toán của EVN trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng.
Tác giả: Phạm Tuyên
Nguồn tin: Báo Tiền phong