Vào những buổi chiều tà, từ ngôi trường Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa lại nghe tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên khắp các buôn làng. Tâm sự với chúng tôi, cô Võ Thị Thùy-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa cho biết, 100 % học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, với các dân tộc như: Jrai, Banar, Tày, Nùng, Dao…Vì vậy, đời sống tinh thần cũng các học sinh rất phong phú, tùy theo những phong tục, tập quán của mỗi dân tộc.
Vào những buổi chiều, trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa dạy cho các em tập những bài chiêng của dân tộc mình. |
Nhằm khôi phục, duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là cồng chiêng Tây Nguyên, nhà trường đã phối hợp với phòng Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai mời nghệ nhân Nay Phai về dạy những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu cồng, chiêng dùng trong dịp lễ hội.
“Hiện nay lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho 32 học viên là học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Đây chính là những “hạt giống” nắm chắc các bài truyền thống trong các dịp lễ hội để dạy lại các trong trong khối 6, 7, 8, 9. Ngoài ra, trái với tập tục của người dân đồng bào thì tại trường THCS cũng dạy cho con gái đánh chiêng và nhảy xoang…”.
Từ đội “hạt giống” nay nhà trường đã nhân rộng ra cả trường thi đua nhau đánh cồng chiêng |
Không những vậy, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa còn tổ chức các cuộc thi như trình diễn và thuyết trình về những trang phục truyền thống của dân tộc của mình. Ngoài ra, lồng ghép vào các buổi ngoại khóa thì nhà trường tổ chức thi vẽ tranh và làm các nhạc cụ của dân tộc mình. Vào các đêm giao thừa, nhà trường đã cùng với học sinh và bà con đồng bào đánh những bài chiêng, nhảy xoang đã học được.
Những nữ học sinh vui tươi trong điệu xoang của dân tộc mình |
Em Rmah H’Lan (học sinh lớp 8) cho biết: “Xưa kia em đâu có biết đánh chiêng hay nhảy xoang đâu. Cả làng cứ mỗi lúc có lễ là lại đưa con các già làng, những người đó mới biết đánh. Sau vài tháng học tại trường, giờ đây em đã biết đánh chiêng vừa cùng với nhảy xoang với mẹ và chị trong dịp lễ hội…Hiện nay, em đang được giao dạy nhảy xoang cho các em gái lớp 6 và lớp 7. Còn những bạn nam sẽ dạy cho các bạn nam đánh chiêng”.
Tương tự, em Nay Co (người Jrai, học sinh lớp 7) nói: “Giờ em đã tự tin đánh được các bài như: Mừng lúa mới, Đi hái rau rừng, Hơ Rang lên rẫy, nhịp chiêng ngày mùa… Hiện tại ở đây cũng có 2 thầy ở trường cùng với chúng em dạy lại cho những bạn ở trường. Để tất cả các học sinh đều biết đánh những bài chiêng và nhảy những bài nhạc truyền thống của dân tộc mình…”.
Tác giả: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí