Quảng Bình là địa phương phát triển mạnh về du lịch, đây được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Tuy nhiên sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân trong, trong đó có ngành du lịch.
Du lịch Quảng Bình đã bị làm chậm nhịp độ phát triển, mất đi cơ hội bứt phá ngoạn mục trong một thời gian dài. Thời điểm xảy ra sự cố môi trường, du lịch biển ở Quảng Bình có thể nói đã tụt xuống thang “điểm chết”. Lượng khách du lịch giảm hơn 55% khiến cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2018, du lịch Quảng Bình đã đón 3,9 triệu lượt khách. |
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực triển khai các phương án để phục hồi lại nhịp độ phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng lòng của nhân dân, công tác xử lý môi trường, triển khai bồi thường, hỗ trợ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai một cách kịp thời.
Cùng với đó, Sở Du Lịch Quảng Bình cùng Hiệp hội Du lịch địa phương này cũng đã đưa ra nhiều phương án nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được xác định là “mắt xích” quan trọng trong chiến lược phát triển. Chính vì vậy, ngành Du lịch Quảng Bình luôn quan tâm đẩy mạnh công tác này với nhiều nội dung đổi mới, có chiều sâu, hiệu quả, góp phần vượt qua những khó khăn, thử thách.
Lễ hội đường phố, một trong những hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình. |
Nhờ có nhiều giải pháp tích cực và đúng hướng, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức hải sản biển tại Quảng Bình đã có chiều hướng tăng trở lại sau thời gian dài “ngoảnh mặt”.
Năm 2017, lượng khách du lịch đến Quảng Bình đã đạt trên 3,3 triệu lượt, tăng trên 70% so với năm 2016 . Những tháng đầu năm 2018, du khách đến Quảng Bình tiếp tục tăng từ 15-20% so với cùng kỳ. Năm 2018, du lịch Quảng Bình đã đón 3,9 triệu lượt khách, tăng 18%, doanh thu du lịch ước đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017, đánh dấu sự trở lại bền vững của ngành nghề mũi nhọn “công nghiệp xanh không khói” của tỉnh Quảng Bình.
|
|
Con đường bích họa tại làng biển Cảnh Dương, một trong những điểm nhấn nhằm đẩy nhanh xây dựng làng văn hóa, du lịch, bổ sung cho sự thiếu hụt về điểm du lịch xung quanh Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến và Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cùng với nhiều tour, điểm du lịch đang hút khách như: khám phá Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới; khám phá Động Phong Nha – Tiên Sơn; động Thiên Đường, suối Nước Moọc... Nhiều tour du lịch mới cũng đã được khai thác, thu hút khách như: khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Arem-Ma coong ở huyện Bố Trạch; tuyến du lịch khám phá Hang Đại Ả, Hang Over, Hang Pygmy; khám phá thiên nhiên, văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy...
Ngoài ra, Quảng Bình cũng đang tập trung mở thêm nhiều sản phẩm như: Du lịch cộng đồng, du lịch biển, xây dựng đề án city tour để du khách trải nghiệm, khám phá thành phố Đồng Hới về đêm. Đồng thời, tỉnh nỗ lực xây dựng thương hiệu mặt hàng lưu niệm có bản sắc của địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ...Với những thành tích đạt được trong thời gian vượt khó vừa qua, Quảng Bình đang phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á.
Tác giả: Đặng Tài
Nguồn tin: Báo Dân trí