Tin địa phương

Khám phá du lịch Quảng Bình: Thăm làng chằm nón trứ danh

Những ngày gần cuối năm, người làng Quy Hậu, xã Liên Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) càng tất bật chằm nón để phục vụ khách hàng mua sắm chào đón năm mới.

du lịch Quảng Bình

Ở một góc làng chằm nón lá Quy Hậu. Ảnh: K.N

Theo nhiều tư liệu cũng như truyền khẩu dân gian, Quy Hậu là làng chằm nón lá nổi danh của vùng đất chiêm trũng Lệ Thủy, gần như cả huyện chỉ có làng này chuyên làm nón lá. Nghề làm nón tại Quy Hậu xuất hiện khoảng những năm đầu thế kỷ 20, nón của làng ngoài tính thẩm mỹ thì yếu tố bền chắc được đặt lên hàng đầu để phù hợp với điều kiện kinh tế thuần nông và thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa bão, lũ lụt.

Làng cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Kiến Giang không xa. Hỏi thăm Quy Hậu, ai cũng sẵn sàng chỉ đường. Đến nơi, khách lạ cảm nhận như đây là một “đại công trường” chằm nón. Từ già đến trẻ, bất kể gái trai ai ai cũng đang chằm nón kiếm thêm thu nhập. Ngày nay, nón Quy Hậu làm ra không kịp bán, làm đến đâu có người lấy đến đấy. Giờ người ta chỉ chằm nón thô, còn phần hoàn thiện quai và chúp nón dành cho người mua nón thô đi bán lại ở các chợ; trường hợp đặt hoàn thiện luôn thì mới đáp ứng.

Nón được đưa đi bán khắp nơi trong huyện, nhưng nhiều nhất vẫn là ở chợ Tréo (tại trung tâm huyện lỵ). Tùy loại và chất lượng mà sản phẩm có giá khác nhau, thấp thì 25.000 đồng, cao có thể 70.000 - 100.000 đồng/chiếc.

du lịch Quảng Bình

Hoàn thiện quai nón. Ảnh: K.N

Nón Quy Hậu trở thành thương hiệu và đặc sản quê hương. Bà Nguyễn Thị Táo, nhà ở thôn Quy Hậu, cho hay cứ đến ngày tết, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ nón cao hơn hẳn so với ngày thường. Bởi dịp tết, người Lệ Thủy xa quê về thăm thường không quên mua nón mang đi TP.HCM, Hà Nội để làm quà biếu người thân, bạn bè.

Ở vào giai đoạn mủ vải được sử dụng nhiều, nên mỗi khi xuất hiện hình ảnh một phụ nữ đội nón lá truyền thống thường dễ gây cảm giác ấn tượng cho người đối diện. Chuyện có một làng quê lưu giữ được nghề chằm nón truyền thống cũng thật thú vị. Vì thế, đến Quy Hậu trải nghiệm các công đoạn chằm nón, du khách cảm thấy rất hấp dẫn. Ắt hẳn bạn sẽ không hối tiếc khi tự thiết kế cho mình một tour về Lệ Thủy thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại xã Lộc Thủy) rồi ghé thăm làng nghề chằm nón Quy Hậu, sau đó đến di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy), ngược lên di tích vụ thảm sát Mỹ Trạch cách chùa Hoằng Phúc vài phút chạy xe... Đặc biệt, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất này, bạn cũng sẽ được nghe văng vẳng điệu hò khoan trữ tình, rộn rã.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP