Sau khi đã hòa nhập và thích nghi được với môi trường sống nơi đây, những điều tuyệt vời ở đất nước này đã thực sự chinh phục Liêm cho tới bây giờ.
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế (Prague) được 3 năm, Liêm vẫn đang làm việc và sinh sống ở Séc.
Liêm chia sẻ, sau một thời gian học tập và sinh sống ở Séc, cậu thực sự thích sự phát triển cả về văn hóa, giáo dục và hệ thống an sinh xã hội của đất nước Trung Âu này. “Với người ngoại quốc thì phải chịu khó tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Séc thì sẽ dễ hòa nhập hơn với cuộc sống ở đây”.
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế (Prague) được 3 năm, Liêm vẫn đang làm việc và sinh sống ở Séc.
Liêm chia sẻ, sau một thời gian học tập và sinh sống ở Séc, cậu thực sự thích sự phát triển cả về văn hóa, giáo dục và hệ thống an sinh xã hội của đất nước Trung Âu này. “Với người ngoại quốc thì phải chịu khó tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Séc thì sẽ dễ hòa nhập hơn với cuộc sống ở đây”.
Hình ảnh minh họa
Hệ thống giáo dục đại học của Séc cũng có các trường đại học công và đại học tư. Học trường công, bạn sẽ không phải nộp học phí cho đến năm 28 tuổi. Theo tiêu chuẩn thì hệ cử nhân học trong 3 năm, học thạc sĩ thêm 2 năm nữa, nhưng sinh viên có thể kéo dài thêm nửa kỳ hoặc một năm nữa. Đa phần các trường đại học học theo hệ thống chứng chỉ.
Một điểm đặc biệt là “hầu hết các môn học ở đại học Séc không bắt buộc sinh viên phải đến trường, chỉ có một vài môn có tính thêm điểm chăm chỉ” – Liêm cho biết. Vì thế, mỗi sinh viên có quyền tự chọn cách học phù hợp với mình.
“Có nhiều bạn chẳng bao giờ đến trường, có người lại thích đến trường vì nghe giảng dễ hiểu hơn”. Với những sinh viên không thích đến trường thì có thể ở nhà đọc sách, nghiên cứu tài liệu.
Và tất nhiên để được công nhận là đã hoàn thành môn học, sinh viên phải vượt qua các bài thi. “Như trường mình nếu kết quả bài thi dưới 50% là trượt, 50 - 60% thì được quyền thi lại, trên 60% mới được tính là qua môn. Thang điểm tính từ 1 đến 5 và điểm 1 là điểm tốt nhất, tương đương với kết quả trên 90%”.
Liêm cũng chia sẻ, thời điểm mới sang, việc hòa nhập với môi trường mới khá khó khăn. Cậu cảm thấy chán nản vì tiếng còn kém, đi học chẳng hiểu thầy cô, bạn bè nói gì. Có một kỷ niệm vui mà cậu còn nhớ lúc mới sang là lần đi uống bia với cả lớp hồi lớp 9.
“Dân Séc uống bia nhiều hơn cả dân Việt Nam uống nước lọc. Cả trai và gái đều uống bia rất nhiều. Nên lần đó mình là người say duy nhất trong lớp” - Liêm kể vui.
Sau 13 năm sinh sống ở Séc, Liêm cho rằng không chỉ có hệ thống an sinh xã hội tốt, bản thân người dân đất nước này cũng có ý thức rất cao và họ có quan điểm đặc trưng phương Tây về vấn đề trách nhiệm giữa các thế hệ.
“Người Séc không phụ thuộc nhiều vào gia đình. Trong văn hóa của Séc, người trong gia đình không phải có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau, ví dụ như con cái không cần chăm sóc bố mẹ, không cần lo lắng cho anh chị em… nên sự hưởng thụ cuộc sống về mặt vật chất của người Séc nhiều hơn” – Liêm chia sẻ.
Chính vì thế, hệ thống dưỡng lão, chăm sóc người già của họ lúc nào cũng đầy đủ. Nhưng đa phần người già ở Séc thích sống một mình, độc lập, thoải mái hơn là vào viện dưỡng lão. Dù không sống chung nhưng con cái vẫn thường xuyên tới thăm bố mẹ.
“Hệ thống an sinh xã hội của Séc rất tốt. Người dân đã đóng bảo hiểm y tế thì vào bệnh viện không kể bệnh gì, làm phẫu thuật hay không đều miễn phí, có mất thêm một chút tiền cũng không đáng kể. Phụ nữ sau sinh được nghỉ có lương 2-3 năm…”
“Người dân thì hiền lành và ý thức cao. Giả sử khi họ đang đi trên một con đường vắng vẻ mà muốn vứt rác, mặc dù không có ai nhìn thấy nhưng không bao giờ họ làm thế, cho dù có bất tiện họ cũng sẽ đợi cho đến khi có thùng rác mới vứt” – Liêm kể.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo