Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), chiều ngày 14/7/2024 trong không khí trang nghiêm, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng dẫn đầu đã đến dâng hoa, dâng hương tại nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Hang Tám Cô địa điểm ghi dấu tích về sự mất mát và hi sinh oanh liệt của những người đã ngã xuống vì sự bình yên cho Tổ quốc.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương dâng hoa, dâng hương tại nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Xuất thân từ một nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một nhà cầm quân kỳ tài, một tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc với cốt cách, đức độ của bậc hiền nhân được khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam |
Năm 2024 là năm thứ 11, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại mảnh đất Vũng Chùa - Đảo Yến và nơi đây đã trở thành địa chỉ thiêng liêng để người dân, du khách khắp mọi miền Tổ quốc hướng về tri ân công lao to lớn của vị Đại tướng huyền thoại, là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Tiếp tục hành trình, đoàn công tác Bộ Công Thương đã đi băng rừng ghé thăm Hang Tám Cô.
Di tích lịch sử Hang Tám Cô |
Hang Tám Cô Quảng Bình nằm trên địa bàn xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 60km về hướng Tây Bắc.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng đoàn công tác Bộ Công Thương dâng hương tại Hang Tám Cô |
Hang đá nhỏ này chứng kiến sự hy sinh lớn lao của lực lượng Thanh niên xung phong trong những năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại điểm đến lịch sử này, đoàn đã vô cùng xúc động khi nghe hướng dẫn viên kể lại chi tiết những hi sinh và mất mát của các cán bộ chiến sĩ trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Tối cùng ngày tại Thị xã Quảng Trị- tỉnh Quảng Trị, đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính tại địa chỉ đỏ - thành cổ Quảng Trị.
Đoàn công tác dâng hương tại thành cổ Quảng Trị |
Là địa đầu của hai chiến tuyến, tỉnh Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị, đặc biệt là thành cổ nói riêng trở thành nơi tập trung sự quan tâm đặc biệt cả về quân sự, chính trị và ngoại giao.
Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị “với phương thức tác chiến phòng ngự, bảo vệ một mục tiêu có tính chất chiến lược trong thời điểm có tính nhạy cảm, với điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch chênh lệch nhau nhiều cả về số quân, trang bị vũ khí hiện đại, phương tiện vật chất trong một thời gian dài, là một thành công đặc biệt xuất sắc”.
Đoàn công tác Bộ Công Thương dâng hương tại thành cổ Quảng Trị |
Tại đây, cuộcchiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 - 16/9/1972) là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Tác giả: Thành Long
Nguồn tin: congthuong.vn