Trong nước

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng Nhân dân Việt Bắc

Vùng đất Việt Bắc - nơi ghi những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những năm tháng hoạt động cách mạng, Đại tướng đã để lại tình cảm sắt son với đồng bào Nhân dân Việt Bắc. Gần một thế kỷ đã đi qua, nhưng nghĩa tình ấy vẫn mãi thuỷ chung...

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước cùng hướng về Điện Biên - nơi ghi dấu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu- Chấn động địa cầu”. Nhắc đến Điện Biên, Nhân dân ta đều nhớ đến vị tướng thiên tài - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để có một Điện Biên toàn thắng, khởi nguồn cho những quyết định lịch sử đó được đưa ra từ Chiến khu Việt Bắc nơi có Bác Hồ, Trung ương Đảng, căn cứ cách mạng trong giai đoạn chống Pháp cứu nước.

Có thể thấy, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm tháng gắn bó với núi rừng Việt Bắc. Tại đây, đồng chí đã có thời gian sống và làm việc cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện thực tư tưởng của Người vào xây dựng hậu phương, căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Còn nhớ những ngày đầu khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Người quyết định chọn Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tại thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp với tên gọi là Dương Hoài Nam, được Người giao nhiệm vụ ở lại Trung Quốc tuyên truyền, vận động người Việt Nam sinh sống tại đây và mở các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ của Đảng. Đến cuối năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Cao Bằng và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ “làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa”.

Sinh thời, Đại tướng luôn dành tình cảm đặc biệt cho Nhân dân tỉnh Cao Bằng và Nhân dân tỉnh Cao Bằng một lòng gắn bó, quý trọng Đại tướng

Trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, đồng chí đã tham gia mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình, 6 lớp đào tạo cán bộ Việt Minh tại Hòa An... Các lớp huấn luyện cán bộ đã thu hút đông đảo hội viên trong đoàn thể cứu quốc của đồng bào các dân tộc ở cả vùng thấp lẫn vùng cao, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh Cao Bằng và các tỉnh phụ cận... Từ những hạt giống đỏ này, các cơ sở cách mạng, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng phát triển ra khắp các địa phương trong tỉnh.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội ta. Cũng từ đây, bằng tài năng quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng trong mọi chiến thắng của quân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ huy đội quân này. Và khi chỉ vừa tròn 37 tuổi, ông đã trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ huy đội quân này.

Những năm hoạt động tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mối quan hệ tốt đẹp, sâu nặng với bà con nơi đây và chính Đại tướng đã được bà con đùm bọc, che chở như người thân trong gia đình. Đó cũng là lý do, đến đâu Đại tướng cũng nhanh chóng học được tiếng dân tộc ở vùng ấy - vốn tiếng dân tộc đủ để Đại tướng dịch Việt Minh Ngũ tự kinh sang các tiếng Tày - Nùng, Mông, Dao. Mỗi lần đi công tác, tuyên truyền, vận động bà con, Đại tướng đều nói bằng tiếng Tày, tiếng Mông, Dao rất thân thiện, gần gũi nên được bà con vô cùng quý mến. Và sau này mỗi lần lên Cao Bằng, gặp bà con các dân tộc, Đại tướng vẫn thường chào hỏi bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, thẳm sâu trong tim mình, Đại tướng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất Cao Bằng nghĩa tình, kiên trung, bất khuất.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại thăm Cao Bằng nhiều lần (lần cuối là năm 1994). Lần nào lên Cao Bằng, Đại tướng cũng lên thăm Pác Bó, lên hang Cốc Bó, lên lán Khuổi Nặm… và đặc biệt là vào thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng luôn coi Cao Bằng là quê hương của mình, nơi đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Tưởng nhớ công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2013, Khu di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp của quân và dân Cao Bằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Thái Nguyên, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây luôn dành tình cảm đặc biệt dành cho Đại tướng. Nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng đã diễn ra trên mảnh đất Thái Nguyên, trong đó, chiều ngày 28/5/1948, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ tổ chức Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. 75 năm đã trôi qua, tên tuổi và hình ảnh Đại tướng vẫn gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và mãi lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của người dân Thái Nguyên...

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, từ 1947 đến 1954, sau khi dừng chân một thời gian tại xóm Na Muồng (Đức Lương, Đại Từ), tại ATK Định Hóa, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng cơ quan Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh ở và làm việc tại xóm Thẩm Hấn (Bình Thành), xóm Thẩm Đưa (Bình Yên), xóm Đồng Chùa, Nà Lẹng (Thanh Định), xóm Gốc Hồng (Quy Kỳ), xóm Khẩu Hấu, Khẩu Tràng (Điềm Mặc), bản Piềng (Yên Thông), thôn Bảo Biên (Bảo Linh). Tại những địa điểm trên, đồng chí cùng các cơ quan tham mưu xây dựng và trình Bộ Chính trị kế hoạch đánh địch, kế hoạch mở các chiến dịch.

Năm 1948 tại ATK Định Hoá, Hội đồng Chính phủ quyết định phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại đồi Pụ Đồn, thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình

Từ ATK Định Hóa, Đại tướng lên đường chỉ huy giành thắng lợi các chiến dịch: Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau ngày hòa bình lập lại, Đại tướng đã bốn lần về Thái Nguyên, thăm lại những nơi Đại tướng đã ở và làm việc, thăm Nhân dân và các đồng chí lãnh đạo địa phương, thăm những cán bộ được Đại tướng dìu dắt, chỉ huy trong đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, thăm các đồng chí cựu chiến binh.

Theo nguyện vọng của Đại tướng, muốn một nơi yên tĩnh, thoáng mát để ở lúc nghỉ hưu, năm 1996, được sự nhất trí của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Thái, gia đình đã chọn và xây dựng ngôi nhà hai tầng mái ngói làm nơi ở của Đại tướng trên đảo Kim Bảng. Ngôi nhà có lối kiến trúc hiện đại song vẫn mang dáng dấp nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc với nhiều cột và bậc cầu thang hai bên như ý tưởng của Đại tướng.

Bà Phạm Thị Hoa, cựu giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu, hiện ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: Khi đến Thái Nguyên, thăm nơi ở, làm việc của Đại tướng, tôi càng trân trọng hơn vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngắm nhìn những bức ảnh khi ông đang công tác cho đến lúc nghỉ hưu thấy một vị tướng tài giỏi song cũng rất gần gũi, đời thường.

Ông Nguyễn Quý Nghĩa, người thân gia đình Đại tướng được giao trông nom ngôi nhà này hơn 10 năm qua, chia sẻ: Sau khi Nhà lưu niệm hoàn thành năm 1999, Đại tướng và gia đình đã từng dọn về đây ở một thời gian. Khi Đại tướng mất, năm 2014, gia đình đã di chuyển chân nhang từ Hà Nội về để thắp hương Đại tướng tại khu nhà này. Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh của Đại tướng, bức tượng Đại tướng bằng đồng cũng được đưa về thờ. Trong lòng nhiều người dân Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng văn võ song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là con người nghĩa tình, thủy chung, giản dị.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.

Có lẽ câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu đã nói đúng tấm lòng của Đại tướng, luôn ghi nhớ, khắc ghi tình cảm quân dân Thủ đô gió ngàn dành cho mình suốt những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Thể hiện lòng biết ơn, tri ân với Đại tướng, Quảng trường mang tên Võ Nguyên Giáp đã được tỉnh Thái Nguyên xây dựng, hoàn thiện với điểm nhấn là 2 bức phù điêu bốn mặt có chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Tại An toàn khu Định Hoá, nhiều địa danh lịch sử ghi dấu những ngày vị Tổng Tư lệnh cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng làm việc trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ cũng được xây dựng, đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm.

Tác giả: Nguyễn Liên

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP