Kinh tế

Điều gì sẽ xảy ra khi tăng thuế môi trường xăng, dầu?

"Xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng, khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống”, PGS TS Ngô Trí Long nói.

Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng so hiện tại), với dầu hoả là 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng so với hiện tại), dầu diesel là 2.000 đồng (tăng 500 đồng so hiện tại)…

Vì sao chưa nên tăng thuế môi trường với xăng, dầu?

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), PGS TS Ngô Trí Long kiên trì quan điểm chưa nên tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu. Ông phân tích, tăng thuế là nhằm giải quyết bài toán cân đối ngân sách.

PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 1/1/2019 nhằm tránh tác động tới giá của 2018.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), PGS TS Ngô Trí Long.

“Nhưng thuế môi trường tăng chắc chắn giá xăng sẽ tăng, trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, người tiêu dùng phải gánh chịu thêm những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế đó nữa là quá lớn, không nên”.

“Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu nước ta so với một số nước còn thấp, nhưng phải hiểu là chính sách giá xăng dầu của mỗi một quốc gia phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi nước”.

“Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn rất hạn chế. Xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng. Khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống”, PGS TS Ngô Trí Long nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng tỏ ra thận trọng trước việc Bộ Tài chính nói tăng thuế môi trường với xăng không ảnh hưởng nhiều đến đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng).

“Đấy là Bộ tính thôi, căn cứ nào thuyết phục, chứng minh điều đó. Nếu muốn tính tác động của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu tới mặt bằng giá thì cần có cơ quan độc lập kiểm định, đánh giá lại các tính toán của Bộ Tài chính đã chuẩn xác chưa, các thông số đã hợp lý chưa?”, TS Ngô Trí Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính cũng đề nghị có cơ chế giám sát, minh bạch khoản thu từ thuế môi trường này để chỉ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.

Vẫn theo PGS TS Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cũng không nên chỉ nghĩ đến thu mà phải tính xem chi đã hiệu quả chưa, bởi hiện nay nhiều dự án vốn đầu tư rất lớn mà không hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Tác động lan tỏa lớn

Theo PGS TS Ngô Trí Long, xăng dầu là đầu vào của rất nhiều lĩnh vực kinh tế, do đó việc tăng giá xăng dầu chắc chắn khiến tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm.

Ông Long nói: “Chúng ta vẫn nói năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhiều lĩnh vực còn tụt hậu, đang trong quá trình hội nhập. Mà hội nhập thì yếu tố năng lực cạnh tranh là quan trọng, trong đó có chi phí đầu vào, vấn đề giá. Thế mà tăng thuế đầu vào, dẫn đến tăng giá sản phẩm thì sao cạnh tranh?”.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, tăng thuế môi trường với xăng, dầu từ đầu năm tới chắc chắn tác động đến ngành vận tải.

“Nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 35% - 45% trong giá thành. Tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ đẩy giá xăng, dầu lên khiến giá thành vận tải sẽ tăng theo. Tất nhiên sẽ có độ trễ chứ không phải tăng giá xăng là tăng cước xe ngay được”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, hiện các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, đồng thời sử dụng phương tiện tốt hơn, để tiết giảm việc tiêu hao nhiên liệu. Hiện hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không tăng giá cước tùy tiện. Tuy nhiên, sau khi giá xăng tăng chắc chắn giá cước vận tải cũng tăng nhưng phải hợp lý, phù hợp thị trường.

Chia sẻ với những khó khăn về ngân sách nhưng theo người đứng đầu VATA, hiệp hội quan tâm nhất là việc sử dụng khoản tiền thu từ thuế đó ra sao. “Trong lần họp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tôi cũng nói nên chăng thành lập quỹ Bảo vệ môi trường nhưng chưa được đồng tình”, ông Thanh nói.

Tác giả: HOÀNG HƯNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP