Kinh tế

Tăng thuế môi trường xăng dầu kịch trần: Nỗi lo trở lại

Cùng với giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng liên tục, việc áp thuế môi trường kịch trần với các mặt hàng xăng dầu sẽ góp phần tạo thêm áp lực cho lạm phát những tháng cuối năm 2018.

Bộ Tài chính quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị trình biểu thuế mới đánh thuế bảo vệ môi trường ra Quốc hội. Nếu được thông qua, biểu thuế có thể được áp dụng từ tháng 10 tới, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó.

Hiện Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, được Chính phủ trình đầu tháng 5 vừa qua.

Lý giải nguyên nhân lùi thời gian trình thông qua Nghị quyết về biểu thuế, đại diện Bộ Tài chính cho hay, nhằm giảm áp lực về lạm phát, việc điều chỉnh biểu thuế cần tránh tháng 9, thời điểm nhóm giá cả dịch vụ giáo dục thường sẽ có biến động nhân dịp năm học mới.

Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,...

Giá xăng tăng liên tục từ đầu năm

Tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 do Viện Kinh tế tài chính tổ chức vừa qua, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao.

Ông Nguyễn Lộc An dự báo thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố, trong đó đáng lưu ý, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng.

Từ đầu năm đến nay, nhóm hàng nhiên liệu năng lượng dù được bảo đảm nguồn cung nhưng do chiều hướng biến động nên giá bán lẻ đã tăng khá mạnh và có xu hướng tăng thêm: xăng E5 tăng 1.368 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.291 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.437đồng/lít và ma-dút tăng 2.055 đồng/kg.

So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5%-17,9%, góp phần đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 trong khi mục tiêu cả năm Quốc hội đặt ra là dưới 4%.

Không phải "chuyện nhỏ"

Cùng với giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng liên tục, việc áp thuế môi trường kịch trần với các mặt hàng xăng dầu sẽ góp phần tạo thêm áp lực cho lạm phát.

Mới đây, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần như đề xuất của Chính phủ sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27%-0,29%.

"Cùng với các yếu tố khó lường khác, tăng giá xăng tạo áp lực rất lớn với lạm phát. Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI", bà Ngọc lưu ý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng buộc phải điều chỉnh giá xăng trong nước, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị chưa áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017.

Nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17%-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng), giá cả nhóm giao thông tăng khoảng 5%-7% so với năm trước và lạm phát cả năm dự báo tăng 3,5%-3,8%. Trường hợp giá dầu bình quân tăng khoảng 24%-25% so với cùng kỳ, lên mức 65 USD/thùng như dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá nhóm giao thông tăng khoảng 8%-10%, lạm phát sẽ tăng 4%-4,1%.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 chính là giá dầu thế giới có xu hướng tăng vượt dự kiến, khiến CPI tổng thể sẽ lớn hơn so với năm 2017.

Nhắc đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần của Bộ Tài chính trong khi giá xăng dầu trong nước có xu hướng gia tăng, ông Long lưu ý: "“Giá xăng dầu là yếu tố khó dự báo, là yếu tố rủi ro của 6 tháng cuối năm tác động tới lạm phát”.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP