Cử tri kiến nghị cân nhắc bởi việc tăng thuế vào thời điểm hiện nay là không phù hợp. |
Cử tri lo gánh nặng thuế
Trong kiến nghị gửi lên Quốc hội, cử tri các tỉnh, thành phố Hậu Giang, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, TPHCM, Bình Dương, Thái Bình cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng cử tri được biết Bộ Tài chính đã công bố định hướng sửa đổi, bổ sung 5 dự án luật về thuế, với đề xuất tăng mức thu: từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đến thuế giá trị gia tăng (VAT)...
Lý do đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế giá trị gia tăng hiện tại 10% là tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn của nền tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, cử tri kiến nghị cân nhắc bởi việc tăng thuế vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, vì người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế giá trị gia tăng cho cùng một sản phẩm chịu thuế.
"Do vậy, gánh nặng thuế đối với mặt hàng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng cao hơn trong thu nhập của người thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Luật thuế Gía trị gia tăng nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng", cử tri kiến nghị.
Bộ Tài chính: Thuế suất VAT thấp hơn nhiều nước
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm nhanh nên tỷ lệ huy động cho ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế, phí cũng giảm nhanh, và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công.
Theo Bộ Tài chính, trên thế giới, trình trạng nợ công tăng cao khiến các nước, kể cả các nước phát triển, tiến hành cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt) để bù đắp.
Về mức thuế suất, Bộ Tài chính dẫn thống kê mức thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.
"Thuế suất thuế giá trị gia tăng trung bình toàn cầu là 16%; ở Châu Á là 10,9%; Liên minh Châu Âu là 21,5%; Trung Âu và Nga là 18,6%; Châu Mỹ là 14%. Thuế suất thuế ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới", Bộ Tài chính cho biết.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 11% vào năm 2019 và tăng lên mức 12% vào năm 2020.
Bộ Tài chính cho biết, theo Ngân hàng thế giới, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% sẽ tăng chỉ số CPI một lần trong khoảng 0,06-0,39% do đó lạm phát do tăng CPI ở mức thấp này không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu duy trì thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng.
"Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế giá trị gia tăng. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo", báo cáo nêu.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với đề xuất tăng 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ tác động tăng chỉ số giá lên 2,28% và giảm mức tăng trưởng GDP 0,5%.
Bộ Tài chính thấy rằng, để giảm tác động của việc tăng thuế đến người có thu nhập thấp thì Chính phủ cần tiếp tục chi hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... để số tiền thu thuế giá trị gia tăng tăng thêm có thể đem lại lợi ích nhiều hơn so với số tiền thuế họ phải trả thêm.
"Hoàn cảnh khác nhau thì không thể so sánh"
Bình luận về đề xuất tăng thuế VAT, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, khi hoàn cảnh khác nhau thì không thể so sánh thuế VAT giữa các nước, và vin vào lý do đó để tăng thuế ở Việt Nam.
Theo ông Long, nếu như để so sánh vai trò của VAT đã sử dụng ở EU và Ở Việt Nam cho thấy về y tế, chế độ bảo hiểm giúp người bệnh được nhận dịch vụ chăm sóc ưu việt và đúng trách nhiệm. Còn Việt Nam khi đi khám chữa bệnh đa số phải khám dịch vụ vì bảo hiểm luôn bị khó khăn, viện phí cũng vừa có đợt tăng. Hay ở EU, người nông dân khi canh tác nông nghiệp được hỗ trợ; nếu nuôi dưỡng súc vật sẽ được hỗ trợ, Việt Nam chưa có sự hỗ trợ này. Tại Nhật Bản, giáo dục miễn phí đến hết cấp phổ thông.
Xét về tỷ trọng, đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình EU cao hơn hẳn Việt Nam song VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước này.
Vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp trong ngân sách, mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai, hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển đất nước.
Điều này dẫn đến, khi ngân sách bị eo hẹp bởi sự lãng phí của dự án cũ, trong khi cần đối phó với tính cấp thiết của dự án mới, Bộ Tài chính đứng trước sức ép phải có đủ nguồn thu để đảm bảo chi.
"Tăng thuế trở thành một giải pháp, như cách người ta hút dầu để tăng GDP", ông Long bày tỏ và khẳng định nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai…. thì dù có tăng lên 12% hay gấp đôi đi nữa, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó mà đảm bảo được cân đối ngân sách nhà nước.
TS Ngô Trí Long khẳng định, thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái” đánh vào người thu nhập thấp chịu nặng nề hơn.
"Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng, và chính sách an sinh xã hội. Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan thứ sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế", ông nhận định.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí