Tôi sắp đi họp phụ huynh cho con gái học lớp 2. Trước đó một tuần, mấy phụ huynh gần nhà đã kháo nhau điểm thi học kỳ của các con. Con gái khoe bạn T. thi được 2 điểm 10. Tôi sốt ruột tra tìm điểm trên điện thoại nhưng không thấy. Tôi sang nhà một chị có con học cùng lớp con tôi, chị nói biết điểm mấy ngày nay, tra tìm trên máy tính dễ dàng hơn trên điện thoại. Về nhà, tôi mở máy tính và xem đi xem lại phiếu đánh giá cả học kỳ của con. Con được 8 điểm môn tiếng Việt, 7 điểm môn Toán. Tôi buồn bã chừng 5-10 phút, cố lục lại trong đầu quá trình cùng học bài, cùng ôn tập với con xem mình lơ là, bỏ sót bài tập nào không. Tôi nhớ ngay ra việc con gái hay nhầm lẫn bài toán đố dạng nhiều hơn, ít hơn và chỉ cần câu hỏi lắt léo một chút là con tính nhầm.
Điểm 7 Toán của con khiến cả nhà rào rào phản ứng. Mẹ trách bố không chịu kèm cặp con kỹ càng. Con gái lấy cớ ăn vạ, trách bố suốt ngày xem điện thoại, làm con bị điểm kém. Anh trai chê em gái "học gà", anh kể hồi cấp 1 anh chưa bao giờ bị điểm 7 Toán. Vậy là con gái buồn rầu, mếu máo, mắt rơm rớm muốn khóc vì tủi thân. Tôi giở vở con xem, chữ con viết cẩu thả quá! Con gái đúng là chưa chăm học, chỉ thích chơi và xem ti vi.
Sáng đi làm, tôi trò chuyện cùng chị bạn đồng nghiệp. Chị có chung suy nghĩ như tôi khi các con học hành sa sút. Tôi buồn chuyện con gái lớp 2 thi học kỳ mà chỉ đạt điểm 7 môn Toán. Chị kể chuyện con trai lớp 9 tổng kết môn Văn chỉ được 6,2. Chị lo ngay ngáy vì con sắp thi vào cấp ba. Mấy ngày nghỉ lễ đầu năm, cô giáo giao bài tập về nhà, con không làm, cô nhắn tin khiến chị đau đầu. Chị hỏi con: "Con trả lời ngắn gọn thôi, con thích học hay thích chơi?". Con trai chị trả lời: "Con thích cả hai". Con nói, có nhiều bài tập khó, con không hiểu, không làm được bài…
Mỗi lần các con bị điểm kém, vợ chồng tôi cũng hay nói: "Thôi, con học kém thế này hay về quê với bà, làm ruộng, chăn trâu…". Con tôi giãy nảy, hứa hẹn sẽ chăm học hơn nhưng đâu vẫn đóng đấy. Đúng là không thể thờ ơ với việc học hành của các con. Tôi đùa với mấy anh chị xung quanh, trước dùng Facebook thành thần mà giờ phải cai hẳn để học với con, chỉ giục giã, hò hét chẳng ăn thua. Ít nhất tôi phải học cùng con hết cấp 1. Xong việc học với con lớn thì giờ lại tiếp kế hoạch học cùng con bé, mỗi đứa con một cách hướng dẫn, động viên và hy vọng khác nhau.
Con gái sức khỏe kém, tháng nào cũng phải nghỉ ốm 1-2 ngày. Tôi không thể ép con học nhiều mà chỉ kèm con vui học là chính. Chắc chắn là tôi phải dành thời gian kèm cặp con mỗi tối đều đặn, rèn lại chữ viết đến học Toán, tiếng Việt cùng con. Có buổi tối, tôi ngồi luyện chữ cùng con, con viết nhanh hơn mẹ, chữ đẹp hơn chữ mẹ, con vui lắm. Khi luyện chữ theo vở chính tả của con, tôi mới phát hiện ra vì sao con viết xấu, khoảng cách các chữ không đều nhau, ngay cả nét hất, nét móc nối giữa các chữ cũng có quy định rõ ràng. Muốn con học tiến bộ, bố mẹ phải toàn tâm toàn ý học cùng con. Con không thể hào hứng, tập trung học nếu bố mẹ giục con học nhưng mắt lại dán vào ti vi, điện thoại dù đã tắt tiếng.
Biết điểm của con, tôi rà soát các mức khen thưởng để dự đoán tình hình của con. Có lẽ con sẽ được giấy khen vượt trội môn tiếng Việt? Con ngây thơ hỏi: "Nếu con không được giấy khen, mẹ có mua quà tặng con giống anh không?". Tôi hứa sẽ tặng quà con vì con đã cố gắng suốt cả kỳ I và hai mẹ con mình sẽ cùng học chăm hơn để kỳ II đạt kết quả cao. Con gái vui vẻ đồng ý với kế hoạch mẹ đưa ra, con sẽ "chăm chỉ như ong" để học tốt. Chỉ vài lời động viên, an ủi, con gái ríu rít cười đùa và quên ngay nỗi buồn điểm thấp. Con tự hào vì mẹ khen: "Con bé thế này mà học tốt môn Thể dục, thật là tuyệt vời!".
Tác giả: Thanh Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí