Theo bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai: Mầm non là cấp học dễ bị tổn thương nhất vì trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ, không thể có phản ứng, tự bảo vệ mình. Phụ huynh học sinh đôi khi tất bật với công việc nên khó nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ, có những trẻ không biểu lộ ra bên ngoài để khi những sự cố đáng tiếc xảy ra, gia đình và xã hội mới biết.
Gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ bạo hành trẻ em gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Để tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của những cơ sở trông giữ trẻ, bảo vệ trẻ trước những nguy cơ xấu, ngành giáo dục và đào tạo đã có đề xuất trang bị camera ở các cơ sở mầm non, kể cả những cơ sở mần non tư thục.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có hơn 172.000 trẻ đang học tập tại 300 trường mầm non công lập và ngoài công lập và gần 920 nhóm trẻ (870 nhóm trẻ được cấp phép). Do là tỉnh công nghiệp phát triển mạnh, thu hút đông công nhân lao động về làm việc và sinh sống nên trong những năm qua, số lượng các trường mầm non trên địa bàn tỉnh liên tục tăng.
Chỉ riêng năm học 2017 - 2018, Đồng Nai tăng thêm hơn 30 trường mầm non. Tỉnh đã xây dựng và đang thực hiện lộ trình đến năm 2022 phát triển 341 nhóm lớp có số trẻ vượt quá quy định thành trường mầm non, đồng thời đã trang bị đồ chơi và thiết bị vận động thông minh cho hàng trăm cơ sở mầm non trên địa bàn.
Để đảm bảo các điều kiện hoạt động, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non, tháng 12/2017 HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra nghị quyết hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo đó Đồng Nai sẽ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, sửa chữa khu vệ sinh (40 triệu đồng/nhóm); hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, sửa chữa khu vực bếp (18 triệu đồng/nhóm) và hỗ trợ một phần kinh phí trang thiết bị dạy học (tối đa 42 triệu đồng/ nhóm). Toàn bộ kinh phí được bố trí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu.
Tác giả: Lê Xuân
Nguồn tin: Báo Tin tức