Kinh tế

Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần: Chuyên gia, EVN nói gì?

Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng/lần.

Như vậy, đề xuất này đã rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân so với quy định hiện hành là 6 tháng.

Nhận xét về đề xuất mới của Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia bày tỏ e ngại khoảng thời gian 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần là không khả thi.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long băn khoăn: hiện thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ lại thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được không?

"Quy định hời gian điều chỉnh tối thiểu 6 tháng đã có rồi và tương đối hợp lý. Bây giờ rút ngắn xuống 3 tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện trong tối thiểu 6 tháng còn chưa thực hiện được thì bây giờ thay đổi có hợp lý không", ông Long đặt câu hỏi.

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần. (Ảnh minh họa)

Tương tự, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường nhưng hiện quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.

“Theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Hội đồng năng lượng này cũng hoạt động giống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 tháng họp một lần và có thể được quyết định điều chỉnh giá theo quy định”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.

Trong khi đó, một đại diện EVN cho biết, về cơ chế chính sách điều chỉnh giá điện, EVN sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ.

“Về thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, EVN cũng mong muốn và ủng hộ nhưng có làm nổi hay không lại là chuyện khác. Nếu đề xuất được thông qua, EVN phải dành nhiều thời gian để tính toán tăng, giảm giá điện hợp lý. Bên cạnh đó, sự dao động về giá sẽ chênh lệch rất lớn ở mùa mưa và mùa khô vì chi phí khác hẳn nhau. Nếu rút ngắn thời gian thì có thể dao động giá rất lớn, mùa mưa thì giá quá rẻ, còn mùa khô giá quá đắt và như thế cũng không phù hợp”, vị này nói.

Vị này nói thêm, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế nên không phải EVN muốn là điều chỉnh là được ngay.

Theo dự thảo 4583 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến về dự thảo quyết định thay thế số 24/2017/QĐ- TTg, nguyên tắc điều chỉnh giá điện là khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào ở tất cả các khâu.

Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.


Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá.

Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các quy định kiểm tra, giám sát các chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN chặt chẽ hơn, như chi phí thực tế ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ và điều hành; các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; chi phí chưa được tính vào giá điện, chưa được tính vào giá thành.

Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, EVN sẽ phải dừng hoặc điều chỉnh lại giá bán.

Tác giả: PHẠM DUY

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP