Giáo dục

Dạy nhiều bộ sách giáo khoa, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 được xây dựng thế nào?

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 được xây dựng theo tính mở, phát huy trí tuệ toàn ngành.

Tại Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra hôm qua, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành.

Theo đó, câu hỏi thi sẽ được chọn từ đề khảo sát của các sở, các trường, đề kiểm tra học kỳ. Các đơn vị sẽ gửi đề thi kèm kết quả chấm để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí. Sau phân tích, các câu hỏi đạt yêu cầu sẽ được đưa vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Hà. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Quá trình xây dựng thư viện câu hỏi thi sẽ không cần quy trình bảo mật như hiện nay, dù không công bố. Câu hỏi chất lượng được chọn vào thư viện để nâng cao chất lượng đề thi. Việc xây dựng ngân hàng đề thi như trên sẽ đánh giá được chất lượng biên soạn đề thi, góp phần đánh giá chất lượng dạy và học.

Hiện Bộ GD&ĐT đã tính toán là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ đáp ứng cho thí sinh 36 tổ hợp để lựa chọn, trong khi từ trước tới nay là 2 tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Do vậy, các khâu làm đề thi, in sao đề thi cũng phải có những thay đổi mang tính thuận lợi, hạn chế tối đa sai sót.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, qua khảo sát ban đầu với học sinh lớp 11, khoảng 61% học sinh cho biết sẽ thi đại học trong nước, 13% học cao đẳng, trung cấp nghề, 11% sẽ đi làm, còn lại là đi du học… Với việc thay đổi số môn thi cũng như môn học lựa chọn như hiện nay, ông Nam bày tỏ mong muốn các trường đại học cần sớm có kế hoạch và công bố về nhóm môn xét tuyển đại học để học sinh chủ động chuẩn bị, không hoang mang, bị động.

Ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng cho rằng với cấu trúc đề thi mà Bộ công bố thì kết quả sẽ có tính phân loại cao, đáng tin cậy để các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển, không cần phải có quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực quanh năm để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Với việc xét tốt nghiệp THPT, ông Khâm đề nghị giảm tỷ lệ điểm học bạ để xét tốt nghiệp vì hiện nay điểm học bạ chưa thực sự đánh giá được chính xác, vẫn còn hiện tượng "làm đẹp" học bạ. Với lo lắng đó, vị này cũng đề nghị các trường hạn chế xét tuyển bằng học bạ.

Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, cũng mong muốn các trường đại học sớm đưa ra định hướng tuyển sinh từ năm 2025 để các nhà trường tổ chức dạy học, học lựa chọn môn thi phù hợp.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Y dược TP.HCM, khối trường Y dược cho rằng, đặc trưng của khối trường Y dược tuyển sinh với mặt bằng điểm cao hơn nhiều trường. Do vậy, ông mong muốn đề thi phân hóa cao hơn.

"Điểm thi tốt nghiệp là một trong những kênh tuyển sinh hiệu quả với các trường đại học. Tuy nhiên, các trường Y dược đòi hỏi chất lượng đầu vào tối thiểu khắt khe và có yêu cầu riêng nên các trường chúng tôi mong muốn đề thi phải có sự phân loại cao, câu hỏi có tính ứng dụng cao để từ đó tìm được những thí sinh đáp ứng được chương trình học tập", GS Tuấn nói.

Cũng với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế cho hay, bên cạnh các kênh tuyển thẳng, đơn vị này đã và đang sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh.

Trong thời gian tới, nếu kỳ thi thực hiện được như Bộ nói, khối trường Y dược sẵn sàng tiếp tục sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Mặc dù vậy cũng giống đại diện trường Đại học Y dược TP.HCM, GS Huy mong muốn đề thi phân hóa cao hơn, có thể phân tách rõ hơn giữa hai nhóm điểm trung bình và khá giỏi để đáp ứng mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học, nhất là khối Y dược.

Trả lời điều này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, dù chúng ta có nhiều bộ sách nhưng ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, các yêu cầu cần đạt trong chương trình là yếu tố căn bản. Do đó, cho dù nhiều bộ sách, việc ra đề cũng phải dựa theo yêu cầu cần đạt trong chương trình phổ thông 2018.

Về đề thi, ông Hà khẳng định tính phân hóa sẽ phải cao hơn nữa. Cao hơn nhưng chắc chắn không phải khó hơn.

Tác giả: HIỂU LAM

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP