Ông Tuyển sinh ra trong một gia đình nghèo. Mẹ ông mất lúc 5 tuổi, và khi lên 8 thì ba cũng mất. Sau đó, ba anh em ông Tuyển về ở với ông bà ngoại. Để giúp ông bà, hồi đó ông Tuyển phải đi chăn bò mướn cho một gia đình trong xóm.
“Tôi rất ham học, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên nhiều lần bỏ học giữa chừng, rồi lại xin đi học lại. Vừa đi làm thuê vừa đi học, rồi đi lính. Năm 1980, tôi học xong cấp ba hệ bổ túc, lúc đó đã 33 tuổi”, ông Tuyển nói.
Ông Tuyển nhận bằng cử nhân luật ở tuổi 63 Ảnh: NVCC
Ông Tuyển kể thời gian sau 1975, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng sớm nhận thức việc học là quan trọng nên dù mệt mỏi với việc đồng áng, ông vẫn học hành chăm chỉ. Ngoài học trên lớp, ông Tuyển còn hỏi mượn sách vở, tối về thắp đèn dầu học mải miết. Năm 35 tuổi, ông Tuyển học trung cấp về ngành chăn nuôi thú y ở Phú Yên.
“Học đến năm thứ 2 thì tôi bị lao phổi, phải nghỉ một thời gian. Dù cơm không đủ ăn, vợ tôi ở quê một mình nuôi con nhỏ, nhưng vẫn động viên tôi theo học. Cuối cùng cũng hoàn thành”, ông nói.
Sau khi học xong trung cấp chăn nuôi, ông Tuyển về quê được giao nhiệm vụ làm trưởng trại heo của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ninh Quang, rồi “lên chức” phó chủ nhiệm HTX. Từ năm 1997, ông là chủ nhiệm HTX Ninh Quang cho đến nay.
Ông Tuyển cho biết công việc ở HTX với đồng lương không đáng kể, vợ chồng ông đã phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, keo, bạch đàn… Nhờ trang trại rộng gần 10 ha này mà ông Tuyển có thể duy trì hành trình học không mệt mỏi của mình.
Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Mở Bán công TP.HCM của ông Tuyển Ảnh: Nguyễn Chung
Ông Tuyển tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Mở Bán công TP.HCM năm 2001, khi 54 tuổi và ngành Luật học của Trường Đại học Luật TP.HCM năm 2010, khi tuổi 63.
Ông Tuyển nói: “Nhiều người hỏi tôi “làm ở HTX và trang trại ở nhà thì cần gì mà phải học nhiều thế, tôi nói đã là học thì biết bao nhiêu cho đủ. Tôi lựa chọn học những ngành học mà thấy cuộc sống của mình rất cần thiết. Việc học giúp tôi giải quyết công việc tốt hơn, cũng có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Đam mê học của tôi cũng có ích khi truyền thêm cảm hứng cho thế hệ con cháu”.
Ông Tuyển kể tiếp: “Trong thời gian đi học đại học, có người nói tôi chểnh mảng công việc, thậm chí có người còn nghi ngờ tôi lấy tiền HTX đi học, nhưng tôi đã chứng minh được rằng việc tôi học những kiến thức bổ ích giúp tôi giải quyết công việc tốt hơn và tôi không hề đụng đến một đồng của tập thể. Dần dần mọi người cũng hiểu”.
Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP.HCM của ông Tuyển Ảnh: Nguyễn Chung
Khó khăn lớn nhất của ông Tuyển trong quá trình học là tuổi tác. Do tuổi cao nên việc tiếp thu kiến thức cũng hạn chế. “Có những bài, tụi trẻ chỉ cần 5-10 phút là có thể hiểu, còn tôi phải mất nửa tiếng. Có những đêm tôi ngồi học mệt quá, nhưng chưa hiểu bài, đau lưng quá nên cầm sách nằm học, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy, thấy trời chưa sáng, lại ngồi dậy học tiếp”, ông Tuyển nói.
Ông Tuyển trong vườn bưởi ở trang trại của gia đình Ảnh: Nguyễn Chung
Trong quá trình “học suốt đời” của ông Tuyển không thể không nói đến bà Trần Thị Sương, vợ ông. Biết chồng ham học, từ những ngày khó khăn, tiền thu được từ mấy ruộng lúa không đủ, bà còn vay mượn để chồng đi học. Hay khi ông Tuyển học Đại học Luật thì cũng là năm con trai thứ 3 của ông bà cũng theo học Trường Đại học Thông tin liên lạc. Thế nhưng, bà Sương vẫn gánh vác việc nhà vẹn toàn, để cả chồng và con cùng đi học. Đến nay, trong số 4 người con của ông bà, có 3 người tốt nghiệp đại học.
Ông Tuyển cho biết cuối năm nay ông sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ luật. Ông nói: “Học xong thạc sĩ, việc học của tôi vẫn chưa dừng lại. Tôi muốn học thêm một ngoại ngữ để nâng việc học của mình lên một bước nữa”.
Có những đêm tôi ngồi học mệt quá, nhưng chưa hiểu bài, đau lưng quá nên cầm sách nằm học, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy, thấy trời chưa sáng, lại ngồi dậy học tiếp. Ông Lương Tuyển |
Tác giả bài viết: Nguyễn Chung