Năm 2018, ĐHQG TP HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên dùng kết quả xét tuyển với tỉ lệ 10%-15% chỉ tiêu tuyển sinh. Mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực là nhằm đa dạng hóa hình thức tuyển sinh tại ĐHQG TP HCM, tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường thành viên.
Thi riêng để bớt phụ thuộc kỳ thi THPT
Kết quả tuyển sinh của các trường thành viên sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đạt khoảng 12%. Kỳ thi đánh giá năng lực năm nay được ĐHQG TP HCM đánh giá là thành công và sẽ tiếp tục tổ chức cho những năm tiếp theo.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực vào Trường ĐH Quốc tế |
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết trong những năm tới, tỉ lệ xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường thành viên sẽ tăng lên chứ không dừng ở 10%-15% của năm đầu tiên thử nghiệm. Nhiều trường ĐH ngoài ĐHQG TP HCM cũng đã đăng ký tham gia sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Là thành viên của ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Quốc tế năm nay dùng tới 6 phương thức xét tuyển, bao gồm cả sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG, tổ chức riêng kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Từ việc dành 35% chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực năm 2017, năm nay, tỉ lệ này tăng tới 65%.
TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường tổ chức riêng kỳ thi đánh giá năng lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyển sinh từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong 2 năm tổ chức, số lượng thí sinh đăng ký tăng từ hơn 2.000 lên hơn 6.000 em, chứng tỏ thí sinh chấp nhận kỳ thi này. Năm 2019 và những năm tiếp theo, trường tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
Tại Trường ĐH Luật TP HCM, 2018 là năm thứ hai trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Khác với cách xét tuyển của các trường khác, Trường ĐH Luật kết hợp dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực với điểm thi THPT quốc gia và kết quả học bạ để xét tuyển.
Sao không công bố đề thi, đáp án?
ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Quốc tế và Trường ĐH Luật TP HCM là 3 đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhưng đề thi và đáp án đều không được công bố. Điều này khác hẳn với kỳ thi THPT quốc gia.
TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực áp dụng nguyên tắc của nước ngoài là không công bố đề thi, đáp án bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, nếu công bố đề thi thì phát sinh tình trạng luyện thi khiến đề thi ngày càng khó, làm sai lệch định hướng xã hội. Thứ hai, đề thi mang tính kỹ thuật, có một số câu đưa vào mang tính kiểm tra để định hướng cho những năm tiếp theo.
Dù vậy, việc không công bố đề thi, đáp án của kỳ thi đánh giá năng lực lại khiến xã hội đặt câu hỏi liệu có tiêu cực hay không. TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết dù là kỳ thi do trường tổ chức nhưng vẫn phải bảo đảm nghiêm ngặt các quy trình và chịu sự giám sát của ĐHQG TP HCM. "Chắc chắn không có tiêu cực trong việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi. Kết quả kỳ thi hoàn toàn trung thực và khách quan" - TS Trần Tiến Khoa khẳng định.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng tất cả trường hợp thí sinh trúng tuyển hoàn toàn đủ điều kiện xét tuyển. "Chất lượng đầu vào ảnh hưởng nhiều đến quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra nên sẽ không có trường hợp thí sinh nào không đủ điều kiện lại trúng tuyển" - ông Hải khẳng định.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, không ai có thể can thiệp để xảy ra tiêu cực được vì có cả hệ thống giám sát và chịu trách nhiệm.
Tác giả: Huy Lân
Nguồn tin: Báo Người lao động