Xe

Đại gia ô tô "châm ngòi" giảm giá xe 4 chỗ: Cuộc đua ngày một gay cấn

Trong một diễn biến mới nhất, liên doanh Toyota chính thức giảm giá 3 mẫu xe ăn khách của hãng này, trong đó có 2 dòng xe sedan được người tiêu dùng mua nhiều nhất. Cuộc chơi "tất tay" này đã và đang gây thích thú cho người tiêu dùng và điều mà người ta đang chờ đợi là liệu có cuộc đại hạ giá xảy đến với các dòng xe sedan 4 chỗ vốn im hơi lặng tiếng trong cuộc chiến giảm giá suốt 1 năm qua.

Dòng xe 4 chỗ không còn là nơi "ấm êm"

Dòng xe 4 chỗ Sedan vốn được coi là nơi "ấm êm" hưởng doanh số và lợi nhuận ổn định của các hãng nên khá ít doanh nghiệp giảm giá. Trong khi đó, trọng tâm của cuộc chiến giảm giá lại chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe hạng trung SUV, crossover, MPV với giá trên 1 tỷ đồng, giảm xuống còn từ 800 đến 900 triệu đồng. Tuy nhiên, dù giảm, song giá những dòng xe này vẫn có mức khá cao, nếu cộng phí trước bạ 10% (cả nước), 12% (Hà Nội), mức giá bị đội thêm 80 - 100 triệu đồng/chiếc, vẫn được xem là cao hơn so với mức thu nhập của người dân.

Gần đây, các hãng đã bắt đầu chiến dịch giảm giá các dòng xe ăn khách sedan, hatchback, với Honda, Mazda, Kia là những thương hiệu đầu tiên làm điều này. Tuy nhiên, đáng nói nhất là đầu tháng 11/2017, đại gia ô tô Việt là Toyota đã tung chiêu chơi ván bài "tất tay" với các đối thủ khi giảm giá ồ ạt 3 dòng xe vốn có doanh số cao của hãng và thị trường Việt Nam là Vios, Altis và Innova.

Mức giá theo Toyota công bố, xe Vios 4 phiên bản giảm từ 40 đến trên 50 triệu đồng/chiếc, dòng Altis giảm từ 25 đến hơn 30 triệu đồng/chiếc, riêng dòng xe Innova cũng giảm từ 40 triệu đến gần 50 triệu đồng/chiếc.

Điều đáng nói, những loại xe được giảm trên của Toyota hiện có doanh số bán cao nhất trong các dòng xe bán ra. Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, hết tháng 9, Toyota bán được hơn 15.000 chiếc Vios, tăng gần 5.000 so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 30% tổng lượng xe sedan bán ra.

Dòng xe Innova bán được hơn 8.700 chiếc, chiếm gần 80% tổng lượng xe đa dụng cỡ nhỏ (MPV) bán ra, doanh số bán xe 9 tháng của dòng xe này cũng tăng gần 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng dòng xe Altis lại có doanh số bán giảm so với cùng kỳ năm trước; hết tháng 9 xe Altis chỉ tiêu thụ hơn 2.700 chiếc, giảm khoảng 900 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Các hãng sợ doanh số giảm hay sợ bỏ thuế?

Thực tế, việc 3 dòng xe có sức tiêu thụ lớn trên thị trường của Toyota giảm là tín hiệu mừng đối với người tiêu dùng, song điều này cũng khiến số DN xe hơi trong nước còn lại tỏ ra khá lo lắng về hiệu quả kinh doanh bởi trong 9 tháng qua, một số thương hiệu xe hơi đã có doanh số bán giảm mạnh; thậm chí, những thương hiệu xe nhập khẩu dù giảm giá cũng rất khó bán ra ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, dù có giảm giá sốc như hiện nay, song với đà tiêu thụ giảm, tâm lý sợ mất giá, người cầm tiền chờ sang năm 2018 giá xe có thể rẻ hơn, thì rất có thể doanh số bán các loại xe trên của Toyota khó đạt được mục tiêu vì chỉ còn gần 2 tháng nữa là hết năm, sang năm 2018, mức giá xe có thể sẽ khác hơn nhiều.

Về kết quả bán hàng, riêng dòng xe sedan, dù vẫn có lượng xe bán ra nhiều nhất với doanh số 48% các dòng xe du lịch, tuy nhiên so với doanh số cùng kỳ năm trước, lượng bán ra đã giảm gần 1.800 chiếc. Giảm nhiều nhất là các dòng xe sedan Mazda và Kia của Trường Hải lắp ráp, dù doanh nghiệp này đã có nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu. Điều này là cảnh báo nếu các hãng trong nước không giảm giá thì khó có thể giữ được doanh số bán; đồng thời nếu quá trình giảm giá không đi kèm với gia tăng chất lượng hậu mãi, giảm giá quá nhanh có thể gây tác dụng phụ đối với tâm lý người tiêu dùng.

Trên thị trường xe hơi của Việt Nam thời gian qua giảm giá ở mọi phân khúc từ SUV cỡ lớn đến các loại SUV cỡ vừa như Mitsubishi Pajero, Outlander, CRV, Hyundai SantaFe đến các mẫu crossover vừa như Mazda CX5 hay các dòng xe nhỏ của Suzuki, Izuzu..., các mẫu xe thường được giảm giá trực tiếp hoặc gián tiếp vào giá xe thấp nhất là 30 triệu đồng, có xe cao trên 320 triệu đồng.

Thực tế này cũng đặt các hãng xe hơi vào tình thế buộc phải giảm giá lần lượt các mẫu xe, giảm lợi nhuận, thậm chí thay đổi quan niệm một chiếc xe là tài sản sang bán một chiếc xe mà người tiêu dùng có thể coi đó chỉ là một phương tiện thông thường.

Theo các chuyên gia về ô tô, điều DN ô tô tại Việt Nam lo ngại nhất hiện nay là thuế giảm nếu không giảm giá, từ năm 2018 thuế về 0% đối với xe nhập từ ASEAN, chắc chắc các dòng xe nhập nguyên chiếc từ Thái sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các dòng xe trong nước, như vậy không những không giữ được doanh số bán xe, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khả năng cạnh tranh nữa.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP