Trong nước

Đại biểu Quốc hội lo tăng trưởng bất hợp lý, nợ công tăng cao

Phát biểu tại phiên họp thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết: "Cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt, không có vấn đề gì thì tăng trưởng như thế là rất bất hợp lý, trái với logic thông thường".

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. (Ảnh Việt Hưng).

Tăng trưởng như thế là bất hợp lý

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, thông thường kinh tế tăng trưởng cao vào quý IV hàng năm, nhưng lại sụt giảm rất nhanh vào quý I năm sau. Chẳng hạn, tăng trưởng quý IV/2015 đạt 7,01% và quý IV/2016 đạt 6,68%, nhưng vào quý I/2016 đã tụt xuống còn 5,46% và quý I/2017 chỉ còn 5,1%.

Theo ông Hàm, quý I có dịp Tết nên sản xuất giảm, nhưng lại được bù đắp bởi tiêu dùng, chi đầu tư giảm nhưng các khoản khác vẫn phải chi nên không thể làm tăng trưởng giảm quá nhanh. Mặt khác, chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng, và sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để xảy ra tình trạng này trong quý I/2018”, ông nói.

Về đầu tư công, đại biểu Hàm cho rằng, hiện nay nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, phần lớn là tiền vay, nhưng phân bổ chi ngân sách còn dàn trải, sử dụng chưa hiệu quả

Ví dụ được ông Hàm dẫn ra là việc ngân sách dành 80.000 tỷ đồng cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng 3 năm chưa bố trí, giải ngân được vốn.

Trong đó, kỳ họp này Quốc hội dự kiến thông qua báo cáo khả thi dự án thu hồi đất cho sân bay Long Thành và chủ trương phát triển cao tốc đường bộ Bắc-Nam, nhưng Chính phủ không bố trí vốn trong kế hoạch vốn năm 2018, cũng không để dành phần vốn năm 2018 chờ Quốc hội phân bổ sau, để chờ quyết định của Quốc hội sẽ phân bổ sau nên không có nguồn tiền để triển khai các dự án này năm 2018.

Cùng với đó là 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, trong 3 năm, trung ương chỉ bố trí được 36% tổng mức đầu tư tối thiểu được phê duyệt trong 3 năm nên khó đạt được mục tiêu. Vốn đầu tư của 21 chương trình mục tiêu gắn với tất cả lĩnh vực của nền kinh tế nhưng kế hoạch trung hạn bố trí cũng chỉ đạt khoảng 33% vốn được Thủ tướng phê duyệt.

"Với tốc độ bố trí vốn như hiện nay nên việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo, nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí được vốn", ông nói.

Nợ công đến năm 2020 lên 4,2 triệu tỷ đồng

Ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015, 2016 đều hụt thu, khó khăn trong bố trí cho các công trình dự án quan trọng. Trong khi đó, hỗ trợ chi đầu tư cho địa phương lại dàn trải, vượt quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh, Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc, có giải pháp khắc phục những vấn đề này thì mới có thể đạt được mục tiêu phát triển.

Về vấn đề nợ và trả nợ, ông Hàm cho biết, nợ công đến năm 2020 lên đến 4,2 triệu tỷ đồng, phần trả lãi chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng mỗi năm, bằng một nửa số vốn thu được từ bán doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm.

"Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Đến năm 2020 vẫn không khắc phục được nguồn trả nợ, vẫn phải trả bằng nguồn vay mới lên đến 232.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều năm tăng thu, tiết kiệm chi nhưng lại chưa ưu tiên tích lũy trả nợ, tinh giản biên chế không đạt mục tiêu", ông nói.

Vốn ODA đi vay nhưng Chính phủ chưa bố trí đủ dự toán, chưa sử dụng đầu tư nhưng vẫn phải trả lãi. Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. Kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỷ đồng đối ứng nhưng mới đáp ứng 70-80% cam kết đã ký. Nếu tính cả các hợp đồng mới ký thêm thì số vốn này chỉ đáp ứng được 63-65%. Kỳ này họp này Chính phủ lại xin bổ sung quyết toán ODA hơn 14.000 tỷ đồng.

"Việc ký thêm hợp đồng vay mới vẫn đang diễn ra và chưa đánh giá tác động lên nợ công một cách thỏa đáng", ông nói thêm.

Giải pháp nào?

Từ thực tế này, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị, thực hiện 4 giải pháp:

Một là, Chính phủ cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao. Đẩy nhanh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt cân nhắc khoán chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí. Thực hiện tăng thu giảm chi, ưu tiên giảm bội chi trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA.

Hai là, cân nhắc cắt giảm 13 nghìn tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ.

Ba là, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia. Bố trí thu hồi tối thiểu 3% nợ đọng xây dựng cơ bản để đảm bảo năm 2030 trả hết nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi đối ứng. Tăng vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia, 21 chương trình mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền quy định.

Bốn là, báo cáo Quốc hội số vốn vay cam kết với nhà tài trợ đến năm 2030 còn thiếu hoặc dư địa còn bố trí. Đồng thời báo cáo các chỉ tiêu, vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến nợ công chưa được báo cáo, đặc biệt là vốn vay ODA.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP